Nông thôn mới và hành trình giảm nghèo
- Thứ tư - 03/01/2018 02:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ được hỗ trợ 12 triệu đồng, ông Quý đã có thêm nguồn vốn để dăm khóm giống, bán tăng thêm thu nhập, đời sống kinh tế cải thiện.
Trao cần câu giúp thoát nghèo
Nhờ cần cù lao động, chí thú làm ăn, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống gia đình ông Đào Văn Quý, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, ngày càng ổn định và thoát được cảnh nghèo. Gia đình ông Quý làm nghề dăm khóm giống, dẫu cố gắng làm lụng, nhưng nguồn vốn ít, chẳng làm được bao nhiêu. Cho nên cuộc sống mãi túng thiếu, cái nghèo đeo bám.
Trước nhu cầu về vốn và để tạo điều kiện để gia đình phấn đấu vươn lên, chính quyền địa phương xem xét, cho vay 12 triệu đồng không tính lãi suất (từ dự án mô hình giảm nghèo), để đầu tư vào mô hình sản xuất. Từ số tiền vay được, vợ chồng ông đã mở rộng diện tích dăm khóm giống. Ông Quý bộc bạch: “Nhà nước đã hỗ trợ thì mình phải tận dụng sao cho có hiệu quả. Tôi hy vọng kinh tế gia đình sẽ phát triển hơn nhờ sự hỗ trợ này”.
Hiện tại, ông Quý dăm khóm giống trên diện tích khoảng 6.000m2, nếu giá cả thuận lợi sẽ mang về cho gia đình nguồn lợi nhuận kha khá. Ông Quý chỉ là một trong số 24 người được hỗ trợ nguồn vốn vay không tính lãi suất từ dự án mô hình giảm nghèo. Dự án được thực hiện nhằm giúp hộ nghèo có thêm nguồn vốn sản xuất, từ đó, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: “Đầu năm 2017, toàn xã có 142 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,2%. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, cũng như thúc đẩy lộ trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất thông qua các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để nâng cao nhận thức người dân, từ đó, mọi người chủ động phấn đấu thoát nghèo”. Với sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp, cùng sự nỗ lực của địa phương và ý thức của người dân thì tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hỏa Tiến đã giảm từ 12,2% xuống còn 3,9%, đạt chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ những xã chuẩn bị công nhận nông thôn mới tích cực thực hiện các giải pháp giảm nghèo, những xã đang phấn đấu cũng nỗ lực để nâng cao mức sống người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nỗ lực để hoàn thành tiêu chí khó
Theo kế hoạch, xã Hỏa Lựu sẽ về đích nông thôn mới trong năm 2018. Để xây dựng thành công xã nông thôn mới, một trong những tiêu chí khó mà địa phương đang gặp phải là tiêu chí hộ nghèo, bởi theo quy định tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 4%, trong khi cuối năm 2017, địa phương còn 175 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,2%. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới, xã Hỏa Lựu sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tích cực đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư để người dân phát triển kinh tế…
Cũng phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2018, xã Bình Thành đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện đạt tiêu chí hộ nghèo. Được biết, đến nay, địa phương đã đạt 13/19 tiêu chí. Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch xã Bình Thành, cho biết: “Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 4% là chuyện không dễ với địa phương, bởi cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 8,8%. Song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng ý thức người dân, chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra”. Để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, xã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi, để người dân tiếp cận vốn, tư liệu sản xuất. Ngoài ra, vận động các nguồn xã hội hóa, để chăm lo nhà ở cũng như giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội…
Giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, vừa góp phần cùng địa phương hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, đồng thời vừa đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU/baohaugiang.com.vn