Nông thôn mới với phát triển thủy sản

Ngày 25/2, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2011 - 2013) xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, ĐBSCL là vùng sản xuất thủy sản hàng hóa lớn nhất nước ta: Chiếm 52% sản lượng thủy sản cả nước. Đặc biệt, cung cấp đến 80% sản lượng tôm xuất khẩu, đóng góp khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Chương trình xây dựng NTM ở ĐBSCL được các địa phương chú trọng phát triển thủy sản đã đưa đến nhiều kết quả đáng phấn khởi.

 

Nâng cao thu nhập

Xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) ở bãi ngang, chủ yếu nuôi trồng thủy sản, được chọn là một trong 11 xã thí điểm xây dựng NTM cả nước. Từ một xã đặc biệt khó khăn, sau thời gian chú trọng phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản đã nâng cao thu nhập của người dân, trở thành một xã giàu của tỉnh. Trong sản xuất nông nghiệp, giảm dần các cây trồng vật nuôi có hiệu quả thấp, chuyển sang nuôi tôm sú. Theo đó, tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi khép kín, làm đường giao thông, đưa điện về các ấp phục vụ nuôi tôm công nghiệp, mời kỹ sư thủy sản về tập huấn kỹ thuật, tạo nguồn giống tốt để hỗ trợ người nuôi tôm hiệu quả. Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2011, toàn xã có 911 hộ nuôi tôm có lãi, chiếm 95% tổng số hộ nuôi. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm, gấp 1,8 lần thu nhập bình quân toàn tỉnh.

Tại TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT khảo sát và thống nhất chọn xã Thới Hưng (Q. Ô Môn) để triển khai xây dựng NTM. Thới Hưng có truyền thống nuôi cá trong ruộng lúa với diện tích khoảng 4.000 ha, nên Đề án xây dựng NTM ưu tiên việc tập huấn cho các cơ sở nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, tổ chức liên kết các yếu tố đầu vào, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để các cơ sở yên tâm sản xuất.

Nuôi tôm trong nhà kính, mô hình hay được người dân ĐBSCL áp dụng - Ảnh: PTC

Tỉnh Cà Mau trong 3 năm đã thực hiện khoảng 700 điểm trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là nuôi trồng thủy sản. Những mô hình tiêu biểu đã cho hiệu quả khả quan như: nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp; lúa - tôm; nuôi cá chình, cá bống tượng, cá kèo; nuôi sò huyết kết hợp với tôm. Trong đó, nuôi tôm sú theo hướng VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn khác được quan tâm.

Còn tỉnh Vĩnh Long nằm bên sông Tiền và sông Hậu, chú trọng phát triển nghề nuôi cá tra tập trung và nuôi cá lồng bè trên sông. Hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 21,6 triệu đồng, tăng 16,7% so năm 2010. Tính đến cuối năm 2013, có 16/89 xã đạt tiêu chí thu nhập.

 

Còn nhiều khó khăn

Trong các địa phương huy động nguồn vốn xây dựng NTM, tỉnh Cà Mau huy động vốn trong dân đạt được tỷ lệ vào hàng cao nhất. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến nay, Cà Mau huy động được hơn 16.865 tỷ đồng. Trong đó, vốn của dân chiếm 66,4%; vốn lồng ghép 17,7%; vốn tín dụng 9,4%; vốn ngân sách và các nguồn khác đều dưới 3%; còn vốn của doanh nghiệp chỉ có 1%.

Tỉnh Bến Tre huy động trong dân và các nhà tài trợ làm được hàng nghìn cây cầu bê tông nông thôn. Tỉnh Hậu Giang huy động được hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 42,4%, để nâng số xã có đường ô tô về đến trung tâm đạt 96%.

Trại nuôi cá tra Phú Thuận rộng 30 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, ở xã nông thôn mới Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) - Ảnh: Sáu Nghệ

Tuy nhiên, nhìn chung việc huy động vốn trong dân đang gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kinh phí huy động xây dựng NTM trong 3 năm qua là 121.340 tỷ đồng. Trong đó, vốn tín dụng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 47,3%; vốn ngân sách 31,2% (ngân sách trung ương khoảng 27%), còn huy động trong dân chỉ 17,2%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Thanh Nguyên cho biết, để một xã đạt được 19 tiêu chí cần khoảng 300 tỷ đồng xây dựng cở sở hạ tầng, trong khi mỗi năm trung ương hỗ trợ 1 tỷ đồng, còn vận động người dân thì vô cùng khó khăn.

Nhưng khó khăn lớn hơn là làm sao xây dựng được chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao để làm giàu cho nông dân, cho nông thôn. Đặc biệt, những sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra và hải sản đánh bắt trên biển ngày càng gắn chặt với thị trường, không còn tình trạng "được mùa rớt giá". Để đạt được điều đó, hợp tác và liên kết trong sản xuất là vấn đề bức xúc nhất hiện nay.

Tỉnh Cà Mau huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng đạt kết quả cao, nhưng xây dựng kinh tế hợp tác cũng còn thấp. Toàn tỉnh có 158 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó chỉ có 8 HTX khai thác thủy sản, 1 HTX chế biến thủy sản. UBND tỉnh Bến Tre cho biết, chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao và chưa đồng nhất theo yêu cầu của thị trường, chưa liên kết tốt giữa người dân và doanh nghiệp để người dân có thu nhập cao, ổn định.

Tổng cục Thủy sản đặt kế hoạch xây dựng NTM ở ĐBSCL trong năm nay, tập trung "xây dựng mối liên kết" giữa sản xuất với thị trường. Một số nội dung cụ thể: nuôi trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo thương hiệu cho sản phẩm, liên kết với nhà máy chế biến và hệ thống siêu thị. Có nhiều công việc phải làm nhưng theo UBND tỉnh Hậu Giang, phải làm từng bước, trước hết tập trung vào: "Các tiêu chí bức xúc của dân, nhóm tiêu chí nâng cao đời sống của dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho dân vừa nuôi dưỡng sức dân".

>> Toàn vùng ĐBSCL có 1.269 xã triển khai xây dựng NTM, đến nay, bình quân các xã mới đạt 9 tiêu chí. Trong đó, có 18 xã đạt 19 tiêu chí, 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Sáu Nghệ 

Thủy sản Việt Nam