Nông thôn quá... mới

Phải đến tháng chín này, cuộc thi "Hàng rào xanh" ở thôn Triêm Tây (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mới kết thúc. Nhưng đến giờ, có một điều chắc chắn, đó là tất cả mọi người dân làng quê này... cùng thắng. Hầu như tất cả các hàng rào đều phủ một mầu xanh, được cắt tỉa gọn gàng. Những chiếc "máy điều hòa" tự nhiên này giúp không khí thêm trong sạch, mùa hè đỡ oi bức. Nhìn "bức tranh" Triêm Tây, người ta mới giật mình nhận ra, nông thôn bây giờ đang bị bê-tông hóa, mầu xanh dần trở thành... của hiếm.

 

Khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, nhiều con đường bê-tông được xây dựng. Nhiều người hăng hái hiến đất, để mở ra những con đường rộng rãi hơn. Người hiến đất phải làm lại hàng rào. Người không hiến cũng tiện thể xây lại cho khang trang. Để "đồng bộ" hóa, những hàng rào tường gạch cao ráo đua nhau mọc lên thay cho những hàng rào bằng cây xanh mát rượi. Nông thôn mới đem lại đời sống kinh tế ổn định hơn, nhiều gia đình có điều kiện xây nhà mới. Không có người định hướng về kiến trúc, người dân quê bê nguyên xi những kiến trúc thành phố về làng. Làng quê xuất hiện ngày càng nhiều khối bê-tông cục mịch. Không thể phủ nhận rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới đã giúp hạ tầng nông thôn được cải thiện, nhưng mầu xanh của làng quê Việt đang mất dần.

Vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam truyền thống vốn là vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc của con người xây dựng và cảnh quan thiên nhiên. Dù ở miền nào, mầu xanh cũng luôn là mầu chủ đạo. Bước sang thế kỷ 21, khi nhận thức về môi trường của nhân loại tăng lên, việc gìn giữ vẻ đẹp truyền thống ấy càng có ý nghĩa khi cây xanh còn có tác dụng hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí xây dựng của nông thôn mới, chỉ duy nhất một mục ở tiêu chí về môi trường đề cập vấn đề cây xanh, đó là "Không có hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp". Lý thuyết là như vậy, còn trên thực tế, khi nói đến tiêu chí môi trường, người ta thường chú trọng đến việc tập kết rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm... chứ ít ai đề cập việc gìn giữ mầu xanh, hay việc người dân nên làm những gì để gìn giữ cảnh quan. Việc hướng dẫn người dân nên xây kiểu kiến trúc nào cho phù hợp, vừa giữ được nét truyền thống, vừa phù hợp với điều kiện sinh hoạt là điều còn bỏ ngỏ. Nông thôn đang quá... mới với bê-tông, nhà ống và mái chóp.

Nhiều làng quê nhanh chóng gánh chịu hậu quả của "vấn nạn" bê-tông hóa. Ngày nắng nóng, không khí trở nên như cái chảo rang do bức xạ nhiệt từ những khối bê-tông nặng nề. Sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thì quá tốn kém. Rất may, đã có những người dân nhận ra tầm quan trọng của gìn giữ mầu xanh cho làng quê. Thời gian qua, ngoài thôn Triêm Tây, lác đác một số địa phương ở Hà Tĩnh, Bạc Liêu... đã vận động người dân làm những hàng rào xanh, tích cực trồng cây trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Một số chuyên gia đã đề cập đến "tiêu chí thứ 20", tiêu chí bản sắc kiến trúc - cảnh quan. Đây là điều đáng suy ngẫm. Kiến trúc cảnh quan không ra làng, cũng chẳng ra phố đang là một nguy cơ.
 

 
                                                                                                                                                                               Dã Liên
Theo nhandan.org.vn