Nông thôn xứ Thanh mang diện mạo mới - Bài cuối

Nông thôn xứ Thanh mang diện mạo mới - Bài cuối
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, Thanh Hóa đã chủ trương thực hiện xây dựng NTM gắn với phát triển nông nghiệp, gắn xây dựng NTM với xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
CẢ TỈNH CHUNG SỨC XÂY DỰNG NTM
 
Ngay từ khi triển khai, Thanh Hóa là 1 trong 9 tỉnh thành trong cả nước cử Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM, nhờ đó đã có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt và tạo được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
 
Theo đó, Thanh Hóa đã đi tắt, đón đầu bằng cách ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ xây dựng các hạng mục có nhu cầu vốn lớn như trụ sở xã, trung tâm văn hóa xã và trạm y tế với mức hỗ trợ từ 1,8 - 4,5 tỷ đồng/công trình; hỗ trợ xã điểm đạt chuẩn NTM 1 tỷ đồng/xã. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Thanh Hóa đã huy động hơn 27.020 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó phân bổ 258 tỷ đồng hỗ trợ 719 lượt xã mua 231.000 tấn xi măng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, kênh mương và giao thông nội đồng. Cùng với nguồn vốn NTM và huy động các nguồn vốn khác, trong giai đoạn 2011 - 2015, Thanh Hóa đã đầu tư xây mới và nâng cấp được 4.952 km đường giao thông nông thôn, 348 công trình hồ đập, 1.557 km kênh mương nội đồng; xây mới, cải tạo nâng cấp 31 trường học và 3.478 phòng học các cấp; hoàn thành và đưa vào sử dụng 25.536 công trình cấp nước sinh hoạt và công trình vệ sinh môi trường nông thôn.
 

Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung phát triển, kinh tế hộ gia đình ngày càng được nâng lên.

Đến 30/9/2015, bình quân toàn tỉnh đạt 12,14 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của toàn quốc (11,64 tiêu chí/xã), trong đó có 93 xã đạt 19 tiêu chí (54 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn, 34 xã đang thẩm định và 5 xã đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định). Hiện Thanh Hóa đang phấn đấu đến hết năm 2015, sẽ có 100 xã đạt 19 tiêu chí.
 
Sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự lãnh chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia của toàn xã hội đến nay chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM thực sự đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa ở xứ Thanh. Cuộc sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ nét, số hộ nghèo giảm đáng kể, hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn.
 
Ở những địa phương điển hình, chúng tôi cảm nhận được sự đồng thuận, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân. Địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, nêu gương trước nhân dân thì nơi đó công tác quy hoạch xây dựng NTM được triển khai sớm, đạt kết quả cao. Đặc biệt, quy chế: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” đã được phát huy đồng bộ tại từng làng, xã đến các thôn xóm. Chính nhân tố này đã bảo đảm từng địa phương có thể huy động được nhiều nguồn nhân lực, vật lực trong nhân dân xây dựng NTM ở Thanh Hóa.
 

Đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng.

Để thực hiện xây dựng NTM hiệu quả hơn nữa, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới các cấp chính quyền phải linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ, như Chương trình 30a, 134, 135... để tập trung nguồn lực cho các thôn, bản xây dựng NTM. Tại các địa phương được chọn thí điểm, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng “vào cuộc” hướng dẫn bà con chỉnh trang nhà cửa theo quy hoạch chung, như: Xây dựng hàng rào, cây xanh, làm đường giao thông nội thôn, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Theo Hoa Mai/baotintuc.vn