Nữ kỹ sư về làng, lội ruộng cùng nông dân

Nữ kỹ sư về làng, lội ruộng cùng nông dân
Tốt nghiệp đại học, kỹ sư trồng trọt Nguyễn Thị Thúy Kiều chấp nhận bỏ thành phố, bỏ cơ hội làm giảng viên khi được giữ lại trường để về xã Vị Tân (TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) lội ruộng cùng nông dân.

ỏ giảng đường về lội ruộng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nên Kiều thấu hiểu những nỗi khổ, vất vả của nông dân.

Đặc biệt là khi không có kiến thức, kỹ thuật trong nông nghiệp nên hiệu quả sản xuất thấp, đời sống kinh tế khó khăn. Năm 2008, tốt nghiệp ngành trồng trọt, Kiều có cơ hội được giữ lại làm giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, nhưng cô xin về quê làm việc và được tăng cường về tổ kỹ thuật nông nghiệp của xã Vị Tân.

Kỹ sư Kiều hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng mía ở ấp 2 A.

Kiều tâm sự:

“Lúc đầu về làm việc, xuống ruộng cùng nông dân nhưng nói không ai tin. Bởi vì con bé nhỏ xíu lại đi hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, trồng mía trong khi nông dân đã có kinh nghiệm mấy chục năm. Tuy nhiên, dần dần họ đã hiểu và xem mình như người nhà, nhờ mình tận tình hướng dẫn kỹ thuật mới trong sản xuất.

Từ đó, nông dân hiểu ra không chỉ có kinh nghiệm mà cần luôn học hỏi tìm kỹ thuật mới, tổ chức liên kết nông dân lại để sản xuất lớn…”.

Kiều đã trở thành người thân của bà con nông dân trong xã lúc nào không hay. Học chuyên ngành trồng trọt nhưng khi làm việc, cả trồng trọt và chăn nuôi cô đều đảm nhận rất tốt.

Giúp nông dân làm giàu

Lịch trình làm việc của Kiều luôn bận rộn và chủ yếu là tận tình xuống đồng giúp nông dân. Câu lạc bộ (CLB) trồng lúa tập hợp hơn 30 nông dân được Kiều thành lập đầu năm 2011 đạt hiệu quả khá tốt.

Từ cách làm cũ bây giờ bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sạ hàng, nuôi cấy nấm xanh để phòng trừ rầy nâu nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường so với sử dụng thuốc hóa học… Ngoài ra, Kiều còn hướng dẫn nông dân sản xuất giống mía mới sao cho có hiệu quả.

Ông Lê Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân cho biết: “Mới về đây công tác được ít năm nhưng Kiều đã tạo được niềm tin cho bà con nông dân. Nhờ vậy mà bà con đã áp dụng được nhiều mô hình hay, cách làm mới giúp phát triển kinh tế gia đình nên ai cũng quý”.

Ông Lê Văn Bé Hai ở ấp 3A cho biết: “Nhờ có kỹ sư Kiều hướng dẫn mà tôi đã đưa giống mía SU 7 trồng ở vùng đất thích ứng với đất bị nhiễm phèn nặng ở địa phương. Đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật, cách phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trừ kịp thời nên đỡ phải lo như trước…”.

Khi nghe nông dân ở ấp 2A phát triển mô hình nuôi động vật hoang dã như: Cua đinh, ba ba, rắn ri voi… Kiều đến tìm hiểu và hướng dẫn nông dân làm thủ tục đăng ký ở chi cục kiểm lâm rồi thành lập CLB nuôi động vật hoang dã phát triển rất mạnh.

Là xã thuần nông với kinh tế chủ yếu là mía, lúa, cây ăn trái và chăn nuôi nên kỹ sư Kiều đã chú trọng thành lập các CLB để dễ dàng hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân làm giàu.

Đến nay kỹ sư Kiều đã thành lập CLB Trồng mía ở ấp 6, ấp 7; CLB Chăn nuôi động vật hoang dã ở ấp 2A; CLB Phụ nữ trồng mía ở ấp 2; CLB Giảm nghèo ở ấp 7…