“Nữ tướng” đất võ
- Thứ ba - 05/05/2015 11:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lo cho nông dân
Không để phong trào ND kém sôi nổi giữa 2 nhiệm kỳ nên việc làm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2013 – 2018, nữ thủ lĩnh ND đất võ – Lê Thị Kim Mai tham mưu ngay cho Tỉnh ủy Bình Định với Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 -2015”.
Được nhiều người ủng hộ, chị tự tin thể hiện tính năng động trong việc bắt kịp nhanh chủ trương của Trung ương Hội ND Việt Nam với tinh thần “Hội là bạn đồng hành” với ND trong giai đoạn mới. Chị lên “ba-rem” phân công cán bộ giúp việc lo đôn đốc tiến độ phê duyệt của đề án.
Nhờ chị chỉ đạo sát sao, Đề án “Cẩm nang giúp ND làm giàu” của Hội đã thuyết phục được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định sớm đồng thuận và phê duyệt, đưa Bình Định vào top đầu triển khai hiệu quả Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, mở đường cho nhiều dự định đổi mới trong lực lượng cán bộ và hội viên, ND địa phương do chị cầm chịch.
Điểm nhấn ấn tượng là Quỹ Hỗ trợ ND toàn tỉnh huy động đạt 23,6 tỷ đồng, giúp cho trên 2.700 lượt nông hộ vay đầu tư phát triển kinh tế. Tổng vốn liên tịch có được 3.600 tỷ đồng, mỗi năm giúp hơn 4.000 nông hộ thoát nghèo, 61.008 nông hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Lật từng trang của những đề án do chị chỉ đạo xây dựng, chúng tôi thấy tâm huyết của chị và của tập thể Ban Thường vụ Hội ND tỉnh thông qua những giải pháp đối với phong trào ND trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đó là đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, ND; là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ND mất đất; là hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông cho ND; là đưa đồng vốn, các hoạt động dịch vụ của Hội đến tay người ND làm ăn; là tạo sân chơi hấp dẫn cho ND trổ tài thể thao, văn nghệ, đọc sách, viết văn, viết báo… Việc nào cũng đều có mẫu số chung là đưa các hoạt động của Hội xuống cơ sở, thôn, xóm, khối phố, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn để ND tiếp cận, thụ hưởng.
Chủ động “bắt tay” với nhiều sở, ngành, doanh nghiệp
Để sinh động chương trình hành động của Hội, chị Mai đã phát huy lợi thế của một tổ chức chính trị - xã hội để kéo các chương trình liên tịch, các mô hình kinh tế - xã hội của các ngành về với Hội, nhằm giúp ND được nhiều hơn.
Chị Mai chia sẻ: “Hội tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các “bạn truyền thống” là các Sở chủ công về nông nghiệp, tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa thông tin; chủ động đề xuất với các “bạn hàng” mới như: Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, Nhà máy Phân bón Mặt trời, Sở Công Thương, Sở Công an, Bộ đội Biên phòng, Đài Truyền hình, Hội Nhà báo tỉnh… xây dựng chương trình phối hợp. Các sở, ngành phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đến nay lên đến gần 30 cơ quan, đơn vị. Chưa kể sự hỗ trợ của Trung ương Hội NDVN, chỉ từ các nguồn lực phối hợp tại địa phương, đã góp phần tạo điều kiện cho Hội hỗ trợ nông dân nhiều mặt. ND rất kỳ vọng vào những chương trình của Hội đã, đang và sẽ triển khai”.
Chia sẻ suy nghĩ của mình về chị Kim Mai, ông Nguyễn Văn Bảy - Chủ tịch Hội ND huyện Vĩnh Thạnh cho rằng: Phương thức hoạt động của Hội giờ đã đổi mới, mới ngay từ từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc Hội ND tỉnh, mới trong Thường trực, trong Ban Thường vụ Hội. Cái mới còn nhìn thấy ở sự tăng trưởng hàng năm vốn Quỹ Hỗ trợ ND các cấp, các dự án giải quyết việc làm, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ ND…
“Ngay cả ở sự kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở, động viên anh em cán bộ hội làm việc cũng có sinh khí mới. Khí thế năng động ấy có lẽ bắt nguồn từ nữ thủ lĩnh đất võ, thể hiện rõ nhất ở sự thành công của hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 61 và 3 năm thực hiện Quyết định 673 của Chính phủ vừa được tổ chức mới đây tại Bình Định”, ông Nguyễn Văn Bảy tâm sự chân thành.
Nguồn: danviet.vn