Nước mắt của nữ “phu ngao” mưu sinh nơi biển bạc

Cuộc sống khó khăn, những người phu ngao ở bãi biển xã Giao Xuân, (huyện Giao Thủy, Nam Định) phải quần quật cả ngày trên cồn cát, ngâm mình ướt đẫm trong sương mù và muối biển.
Những chị em phu ngao quần quật làm việc trong sương mù, trong muối biển. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Với họ, dù vất vả đến mấy nhưng ai nấy đều thấy vui, bởi sau những giọt mồ hôi ấy, họ đã có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.

Bán mặt cho cát…

Trong màn đêm tĩnh lặng, khi mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ, chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Giao Xuân lại lục đục thức dậy. Sau khi chuẩn bị sẵn cơm nước cho con, chị gói ghém đồ đạc rồi lên đường ra bãi biển. 

Hơn 3 giờ sáng, con thuyền nhỏ giữa mênh mông biển nước chở chị Hòa cùng đoàn phu ngao rẽ sóng ra khơi.

Gần 20 phu ngao trên thuyền đa phần là phụ nữ. Họ tranh thủ chợp mắt, nằm gối mình bên vành thuyền để lấy sức cho buổi sáng làm việc.

Đôi mắt còn lim dim, thi thoảng lại đánh động những cái ngáp dài, trông chị Hòa thật mệt mỏi.

Phải mất gần 40 phút các phu ngao mới ra đến điểm làm. Tại đây, mỗi người lại nhận lấy một công việc theo quy trình từ dùng xẻng hất cát vào tấm lưới, sau đó dùng vòi bơm phụt sục bùn, tách lấy ngao.

Công việc này kéo dài từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Dù vất vả nhưng mỗi người cũng chỉ nhận được 80.000 đến 120.000 đồng/ngày.

Bênh cạnh đó, không ít lần nữ phu ngao còn phải đối diện với những hiểm nguy mỗi khi di chuyển trên biển, gặp mưa to sóng lớn.

Chị Phạm Thị Thủy, một nữ phu ngao kể rằng di chuyển trong đêm nên rất vất vả. Nhiều lần vì ngủ gật, để thuyền trôi ra xa nên các chị phải vật lộn mãi mới quay lại được điểm làm gần bờ. Đấy là chưa kể những hôm đang lênh đênh trên biển thì gặp mưa dông… 

“Làm công việc này cơ cực lắm chú ạ. Nhiều đợt, chúng tôi còn phải di chuyển sang tận Hải Phòng rồi vào tận Nghệ An, mất cả tháng trời mới quay về nhà,” chị kể. 

Vào những ngày nắng nóng phu ngao phải làm việc dưới cái nắng rát bỏng da, trời mưa thì bị nước muối “tát” vào mặt. Nhưng các chị cũng chỉ biết chống nắng, chống mưa bằng nhũng chiếc nón lá đã thâm ố…

Không dám bỏ nghề…

Ít tiền, lại vất vả nhưng các phu ngao đều không dám bỏ nghề.

Quệt vệt mồ hôi trên trán, chị Hòa kể, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng đi làm thuê ở Tây Nguyên rồi đi theo vợ bé nên một tay chị phải cáng đáng mọi việc gia đình. Để trang trải cuộc sống, chị buộc phải theo nghề phu ngao.

Vất vả và đôi khi còn nguy hiểm nên chị Hòa từng có ý định bỏ nghề. Thế nhưng, “lên bờ thì biết kiếm cái gì mà sống, lấy đâu tiền để nuôi con ăn học, thôi thì đành làm tiếp,” chị nói. 

Cũng như chị Hòa, hầu hết nữ phu ngao ở đây đều chung hoàn cảnh nghèo. Họ không còn cách nào khác ngoài bám lấy biển để kiếm tiền trang trải cuộc sống. 

“Giờ con cái đi học trở lại rồi nên cũng tốn nhiều khoản tiền hơn, không làm thì không biết lấy gì, nghỉ ngày nào là đói ngày ấy,” chị Hương lo lắng.

Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thanh Sơn, một phu ngao tâm sự: “Làm nghề này cực lắm, suốt ngày phải thức đêm làm ngày. Nhưng là người làm cha làm mẹ, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng và mãn nguyện khi kiếm được những đồng tiền ít ỏi để lo cho con cái học hành.”

Hoàng hôn buông xuống, tiếng sóng biển càng lúc càng dữ tợn. Đó cũng là thời điểm những phu ngao cố lê những bước chân nặng trĩu, rời bãi ngao để trở về với mái ấm của mình…/.
 
 
Giao Xuân là một xã thuần nông nằm ở vùng ven biển, với dân số hơn 10.000 người.

Người dân ở đây chủ yếu là làm nông nghiệp, từ những năm 1990 đến nay người dân làm thêm một số nghề khác như: Chăn nuôi, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản…
 

Những người làm nghề phu ngao đa phần là phụ nữ, họ tranh thủ làm những lúc kết thúc vụ mùa, để kiếm thêm đồng tiền trang trải cuộc sống.
 
Hùng Võ (Vietnam+)