Tại một số vùng nông thôn của Đắk Lắk, người dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là từ ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan...
Chính vì thế, bà con mong mỏi sớm được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đầu tư chương trình nước sạch
Từ hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, Chương trình 135… và nhiều nguồn vốn khác, Đắk Lắk đã triển khai mạnh mẽ chương trình nước sạch và đạt được những kết quả khả quan.
Hết năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt 91,4%; 118/152 xã có tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%. Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh đầu tư 168 công trình cấp nước tập trung để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng nông thôn, chủ yếu cho địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nguồn nước, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Công trình cấp nước phát huy hiệu quả
Đánh giá về hiệu quả của các dự án nước sạch trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Nhơn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Các công trình nước sạch đã phát huy hiệu quả, được người dân nhiệt tình đón nhận, việc xây dựng các trạm cấp nước tập trung cung cấp nước sạch cho người dân là chủ trương hết sức đúng đắn, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa bảo vệ nguồn nước ngầm, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nguồn nước sạch.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục tuyên truyền hơn nữa để mọi người dân trong tỉnh đều được sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng là tiêu chí quan trọng để xây dựng thành công NTM.
Tiếp tục nâng cao nhận thức
Để nâng số lượng địa phương và người dân được sử dụng nước sạch không chỉ là đầu tư xây mới mà còn cần tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành của chính quyền; nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng tiết kiệm, hợp lý, giữ gìn, bảo vệ tài sản công và cùng chi trả để có nguồn lực tiếp tục xây dựng thêm công trình nước sạch.
Sử dụng nước sạch là niềm khát khao của người dân sống ở nông thôn, chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung và xử lý môi trường là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung khá lớn, rất cần sự tham gia của các thành phần kinh tế nhằm tạo ra nguồn lực đầu tư, đảm bảo tiến độ, hiệu suất khai thác cao, công trình phát huy hiệu quả, ổn định và bền vững.