Nuôi cá để... giữ rừng di sản

Nuôi cá để... giữ rừng di sản
Ngược dòng sông Son lên với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách còn biết đến thứ đặc sản cá trắm nuôi lồng Phong Nha.

* Lễ hội cá trắm Phong Nha được tổ chức thường niên

20-33-32__1-_nuoi_c_long
Cá lồng trên sông Son ở vùng Di sản cho giá trị kinh tế cao.

"Hằng năm, từ phong trào nuôi cá lồng trên sông Son, chúng tôi mở lễ hội cá trắm… để kích thích phát triển và hướng đến phục vụ rộng rãi khách muôn phương" - ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch - Quảng Bình), cho biết.  

Nuôi cá ở vùng di sản

Hơn chục năm trước, người dân xã Sơn Trạch ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ có một công việc làm duy nhất là vào rừng chặt gỗ tự nhiên mang về bán làm kế sinh nhai. Đàn ông thì vào rừng sâu tìm gỗ quý để đốn hạ đưa về cửa rừng hoặc đi săn bắt động vật quý hiếm. Đàn bà vào cửa rừng đón, phụ chồng đưa gỗ về nhà… Mỗi người một việc vô tư khai thác rừng.

Khi rừng Phong Nha trở thành Di sản thì phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Không được vào rừng khai thác, hàng trăm lao động địa phương thành ra… mất nghề.

Nhận ra thế mạnh nguồn nước sông Son mát lành, một số hộ dân tìm tòi học hỏi và làm mô hình nuôi cá bè ở bờ sông. Những mô hình ban đầu đã cho hiệu quả cao khiến nhiều người cứ học theo đó mà làm.

Ở thôn Na (xã Sơn Trạch) tập trung nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng. Từ phong trào đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Ông Nguyễn Văn Mẹo, một hộ nuôi cá lồng cho biết, gia đình đầu tư làm 3 lồng cá. Nguồn thức ăn chủ yếu là rong rêu vớt từ sông, các loại cỏ, thân cây chuối, lá, củ sắn hoặc cho thêm bột cám…

Từ lúc thả cá giống đến lúc cá đạt trọng lượng từ 2 kg/con trở lên là xuất bán. Lúc đó, thịt cá thơm, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn và được người tiêu dùng đón nhận.

Cũng theo ông Mẹo, từ việc nuôi cá lồng (chủ yếu là cá trắm trắng và trắm đen), gia đình ông có 4 người có công ăn việc làm và thu nhập quanh năm. Vì gia đình nuôi gối vụ, có nghĩa là lồng cá sau thả giống cách lồng cá trước hơn tháng nên việc thả nuôi, xuất bán cứ theo vòng tròn nối nhau.

“Thu nhập bình quân mỗi lồng cá được khoảng 70 - 100 triệu đồng/năm” - ông Mẹo cho hay.

Theo ông Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, toàn xã hiện có 367 hộ nuôi cá lồng với 710 lồng cá. Các lồng các ven sông Son tập trung tại các thôn Na Xuân Tiến, Xuân Sơn, Gia Tịnh và Trằm Mé. “Phát huy được thế mạnh nguồn nước và tận thu thức ăn tự nhiên nên sản lượng nuôi cá lòng khá cao. Bình quân mỗi năm sản lượng đạt gần 300 tấn” - ông Trung cho hay.

Được biết, đầu ra cho sản phẩm cá lồng sông Son ngày càng ổn định. Một phần do lượng khách du lịch đến với di sản Phong Nha - Kẻ Bàng ngày càng nhiều. Mặt khác, các lồng có chất lượng cao nên người mua đặt hàng càng nhiều. Thu nhập của các hộ nuôi cá cũng được nâng lên, góp phần nâng mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn lên 43 triệu đồng/người/năm.  

Lễ hội để làm nên thương hiệu

Cách đây mấy năm, các hộ nuôi cá lồng sông Son đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt xã Sơn Trạch (CLB). Đến nay, CLB đã có hơn 120 hội viên tham gia.

Ông Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Các thành viên trong CLB tham gia học tập kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật nuôi và kinh nghiệm xử lý tình huống khi có thiên tai để việc nuôi cá có hiệu quả hơn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm tòi nhập về các giống cá có giá trị kinh tế cao, như: cá chình, cá leo và trắm đen về thả nuôi để đa dạng sản phẩm, phục vụ cho du khách được nhiều hơn”.

Chính vì vậy, ngoài các lồng cá trắm cỏ, đến nay, Sơn Trạch đã phát triển được thêm 15 lồng nuôi các loại cá chình, cá leo và cá trắm đen.

20-33-32__2-_c_trm_phong_nh
Cá trắm Phong Nha ngày càng được du khách biết đến.

Từ phong trào nuôi các lồng trên sông Son, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng kết hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức “Lễ hội cá trắm Phong Nha” vào cuối tháng 4 hàng năm.

Tại lễ hội lần có các hoạt động như: diễu hành thuyền du lịch nhằm tôn vinh thuyền du lịch đẹp và lái thuyền an toàn. Thi vớt rong, xắt chuối cho cá; thi bắt cá to, cá đẹp. Chấm thi cá to, cá khỏe nhằm tuyên dương người nuôi cá nhiều, cá sạch và sau đó sẽ tổ chức đấu giá cá thắng cuộc; thi kho cá; liên hoan ẩm thực.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho rằng: "Thông qua lễ hội nhằm động viên người dân chú trọng việc nuôi trồng thủy sản sạch để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời đưa sản phẩm nuôi trồng Phong Nha đến rộng rãi với khách du lịch trong và ngoài nước”.

Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết UBND tỉnh đã phê duyệt dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lồng, trong đó có các hộ nuôi cá trắm cỏ tại xã Sơn Trạch.

“Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và chính quyền xã Sơn Trạch hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã, đẩy mạnh phát triển chuỗi cá trắm, từ đó, xây dựng thương hiệu cá trắm sông Son gắn với phát triển du lịch ở cùng Du sản” - ông Vũ nhấn mạnh.

Theo Tâm Phùng/nongnghiep.vn