Nuôi cá nước lạnh thu tiền tỷ

Nuôi cá nước lạnh thu tiền tỷ
Nuôi cá tầm cung ứng cho doanh nghiệp ở TP.HCM, mỗi năm, gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu ở Lâm Đồng thu về hàng chục tỷ đồng.
Mỗi bể nuôi rộng 100m2 có thể thả 1.500-2.000 cá tầm thương phẩm. Ảnh: Minh Hậu.
Mỗi bể nuôi rộng 100m2 có thể thả 1.500-2.000 cá tầm thương phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu là một trong những hộ đi đầu trong phát triển giống cá nước lạnh ở xã Rô Men, huyện Đam Rông. Dưới chân đồi, trang trại rộng hơn 1ha được xây dựng bài bản gồm 70 bể nuôi, hồ lắng và hệ thống mương thoát nước.

Theo chủ trang trại, xã Rô Men có nguồn nước sạch từ con suối Nước Mát đổ về và đây là điều kiện lý tưởng để phát triển cá tầm. Nước từ con suối được chủ trang trại kéo về bằng hệ thống ống nhựa phi 220. Nguồn nước này có độ tinh khiết cao, nhiệt độ luôn trong ngưỡng từ 15-20 độ C. Các ống nước chảy liên tục suốt ngày đêm để đảm bảo môi trường tốt nhất cho cá phát triển.

Tại trang trại, ông Thu thiết kế các bể lọc và bể nuôi từ cao xuống thấp. Nguồn nước từ đầu nguồn được lấy về sẽ đổ vào bể lắng, lọc ở phía trên sau đó theo các ống dẫn chảy vào hồ bê tông bên dưới. Ở mỗi hồ bê tông dùng thả cá, chủ trang trại thiết kế ống ngầm ở đáy để nước và chất bẩn, cặn chảy ra mương và đổ vào bể lọc bên dưới trước khi xả thải ra môi trường.

Chủ trang trại cho biết, ông gắn bó với nghề nuôi cá tầm đã gần chục năm và từng rơi vào thua lỗ do ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhiều năm trước, hồ cá ở khu vực hạ nguồn của xã Rô Men chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch thì bị lũ tràn về phá sạch, lỗ mấy tỷ đồng.

Để tiếp bước với nghề, ông một thân một mình lặn lội đi tìm địa bàn và cuối cùng chọn được mảnh đất dưới chân đồi ở thôn 2 của xã Rô Men. Nơi này nằm ở địa hình khá cao, có thể an toàn trước các đợt mưa lũ. Chỉ mấy tháng sau đó, nơi này được ông đầu tư vốn để xây dựng hệ thống nuôi bài bản bậc nhất của cả vùng.

Mỗi năm, trang trại cá tầm của gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu bán 100 tấn cá tầm ra thị trường. Ảnh: Minh Hậu.
Mỗi năm, trang trại cá tầm của gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu bán 100 tấn cá tầm ra thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Về quy trình nuôi, thả cá, anh Lê Sanh Nhân, người trực tiếp quản lý trang trại cá tầm cho gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu cho biết, mỗi hồ bê tông rộng khoảng 100m2 và có thể nuôi khoảng 2.000 cá thương phẩm loại 1,5-2kg và nuôi 1.500 cá thương phẩm loại 5-10kg.

“Cá nuôi khoảng 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 1,8-2kg mỗi con. Thức ăn dùng để chăn nuôi là loại cám công nghiệp dành cho cá tầm và chế độ cho ăn được duy trì 4 cữ mỗi ngày là sáng, trưa, chiều, tối”, anh Nhân chia sẻ kinh nghiệm.

Theo anh Lê Sanh Nhân, nguồn nước tự nhiên từ dòng suối Nước Mát của xã Rô Men không phải địa phương nào cũng có. Nước này không bị tác động bởi các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nên các chỉ số luôn ở ngưỡng an toàn. Về mùa mưa, nước chuyển sang vẩn đục nhưng khi chuyển về bể lọc thì nhanh chóng trong trở lại nên cá ít nhiễm bệnh dịch.

Nuôi trong thời gian 12 tháng, cá tầm đạt trọng lượng 1,8-2kg. Ảnh: Minh Hậu.
Nuôi trong thời gian 12 tháng, cá tầm đạt trọng lượng 1,8-2kg. Ảnh: Minh Hậu.

Cá ít dịch bệnh, phát triển nhanh nên mỗi năm, trang trại gia đình ông Huỳnh Ngọc Thu cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà hàng ở TP.HCM khoảng 100 tấn cá hồi thương phẩm. Với giá bán giao động ở mức 180.000-200.000/kg, mỗi vụ cá, chủ trang trại thu về một nhiều tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Nam, cán bộ UBND xã Rô Men (huyện Đam Rông) cho biết, ông Huỳnh Ngọc Thu là người đầu tiên phát triển giống cá nước lạnh ở địa phương. Mô hình mang lại lợi nhuận cao và là hướng đi mới, hiệu quả. Mô hình này cũng giúp địa phương đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nam cho biết: “Từ mô hình của ông Huỳnh Ngọc Thu, hiện xã Rô Men đã hình thành một hợp tác xã cá tầm với 10 hội viên tham gia. Ngoài ra địa phương cũng đã hình thành 2 doanh nghiệp chăn nuôi cá tầm quy mô lớn”.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, địa phương có ưu thế phát triển cá nước lạnh. Hiện nay, địa bàn tỉnh có nhiều cá nhân, doanh nghiệp phát triển bằng hình thức nuôi lồng bè, nuôi ao, bể lót bạt hoặc bể composite. Đặc biệt, hình thức nuôi bằng bể xây có mái che, nước chảy liên tục là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Hiện nay Lâm Đồng có chủ trương, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào phát triển cá nước lạnh ở tỉnh. Địa phương đang có 25 đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh thương phẩm với tổng diện tích khoảng 380ha, tổng số vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhiều trang trại kiểu mẫu đã hình thành. Các mô hình như cá tầm suối nước chảy VietGAP, GlobalGAP đạt năng suất, chất lượng cao.

 
Theo: Minh Hậu/nongnghiep.vn