Nuôi loài thú đầy lông sắc nhọn, Tết khách cứ hỏi có còn không
- Thứ sáu - 10/01/2020 18:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Tạ Bú, chúng tôi tìm đến bản Tạ Búng để tìm hiểu, thăm quan mô hình nuôi nhím – loài vật có bộ lông sắc nhọn mọc tua tủa khắp mình của anh Cà Văn Đoàn.
Anh Đoàn (trái) đang giới thiệu về cách làm chuồng nuôi nhím, kỹ thuật nuôi nhím, kinh nghiệm nuôi nhím...
Chỉ tay vào đàn nhím, anh Cà Văn Đoàn kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Trước đây, gia đình đông anh em, bố mẹ làm được bao nhiêu, ăn hết đến đó. Khi tôi lập gia đình, thương bố mẹ quá nên tính kế làm giàu để nở mày nở mặt với hàng xóm. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hiểu, tôi không chọn những con vật nuôi quen thuộc để làm giàu mà quyết định chọn nuôi nhím. Tôi nghĩ, mình phải làm khác người thì mới ăn nên làm ra được....".
Nhìn thấy khách lạ đến thăm nhà, anh Đoàn tay bắt mặt mừng như người thân quen lâu ngày mới gặp. Với bản tính hiếu khách của người dân tộc Thái, vừa rót ly trà ấm mời chúng tôi, anh Đoàn đã chủ động bắt chuyện và say sưa kể về mô hình nuôi nhím của gia đình.
Chuồng trại nuôi nhím của anh Đoàn được xây dựng cẩn thận và chia thành nhiêu ô để tiện cho nhím giao phối và tách nhím con khi đủ tháng tuổi. "Trước khi bắt tay vào nuôi nhím, tôi phải học hỏi kỹ thuật nuôi nhím, kinh nghiệm nuôi nhím...", anh Đoàn thổ lộ.
Anh Đoàn chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi nhím: "Tôi nuôi nhím gần chục năm nay rồi. So với các loài vật nuôi khác, nhím vốn là loài động vật hoang dã nên có sức đề kháng rất tốt. Trong quá trình chăm sóc, chỉ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo và cung cấp thức ăn đầy đủ là nhím sinh trưởng và phát triển rất tốt...".
Nhờ được chăm sóc tốt, đàn nhím nhà anh Đoàn con nào cũng khỏe mạnh, béo tốt. Về kỹ thuật nuôi nhím, theo anh Đoàn trước hết phải làm chuồng đúng cách, vệ sinh sạch sẽ và cho ăn đầy đủ....
“Nhím là loại động vật ăn tạp nên rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là rau, củ, quả các loại như: Bí, củ sắn, ngô, khoai… và một số loại rau rừng khác. Loại thức ăn này rất sẵn ở địa phương nên hầu như không tốn một đồng chi phí nào. Mỗi ngày, tôi cho nhím ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối....".
Mỗi năm, nhím mẹ đẻ 2 lần, mỗi lứa từ 1 – 3 con, thường là 2 con. Anh Đoàn lưu ý, khi nhím mẹ đẻ được hơn 1 tháng, phải tách nhím con ra ở chuồng riêng, để nhím mẹ tiếp tục phối giống ở chu kỳ sinh sản tiếp theo. Nhím con sau khi nuôi được khoảng 10 tháng sẽ đạt trọng lượng trung bình 9 – 10 kg, bắt đầu cho sinh sản đối với nhím giống và xuất bán với nhím thương phẩm...
"So với con lợn, con gà, con nhím dễ nuôi, ít bệnh tật lại không ăn tốn thóc, tốn ngô, tốn cám. Vào gần dịp Tết Nguyên đán này, nhiều bạn hàng quen thuộc của tôi ở các tỉnh dưới xuôi đã đặt hàng cả chục con nhím về ăn Tết. Tôi đang bán nhím thịt với giá 200.000 đồng/kg...Bán vài con nhím là thừa tiền ăn Tết...".
Theo anh Đoàn, một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại trong nuôi nhím là phải chọn được con giống tốt: Nhím giống phải chọn những con to, khỏe, đẻ tốt. Nhím cho chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng nên nuôi được bao nhiêu, khách hàng mua hết đến đó. "Sau một thời gian đổ xô đi nuôi nhím, cung vượt cầu, nhiều người chán bỏ nuôi nhím, tôi vẫn duy trì...Ngoài bán nhím thịt, tôi còn bán nhím giống với giá trên dưới 10 triệu đồng/cặp".
Hiện nay, đàn nhím của anh Đoàn duy trì số lượng trên 50 con. Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường hàng tạ nhím thịt thương phẩm với giá trên 200.000 đồng/kg, và hàng chục đôi nhím giống. Trung bình, mỗi năm, anh Đoàn bỏ túi 100 triệu đồng tiền lãi từ nghề nuôi nhím. Dịp cận tết Nguyên đán này, anh Đoàn cũng bán được chục con nhím thịt thương phẩm và thu lãi hàng chục triệu đồng.
Theo A Lử/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây