Tại diễn đàn, Tổng cục Thủy sản, Học Viện nông nghiệp, Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng… đã tập trung báo cáo về một số nội dung như: Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam và giải pháp phát triển; Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm công nghệ; Thực trạng định hướng giải pháp phát triển tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng;Giới thiệu các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP; Mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc…
Tại Hải Phòng, từ năm 2010 đến nay, từ chỗ người dân chỉ nuôi tôm sú, nay đã phát triển mạnh sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ nuôi trong nhà bạt, ứng dụng quy phạm VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học…
Một số đơn vị nuôi tôm tiêu biểu như: Công ty TNHH Khoa Thành với diện tích 5 ha tại Tân Thành - Dương Kinh; Công ty TNHH Thương mại Vũ Anh Hiếu 16 ha tại Tiên Hưng - Tiên Lãng; Công Ty TNHH Sơn Trường với diện tích 120 ha tại Phù Long - Cát Hải… Ngoài ra, có nhiều hộ cá thể nuôi tôm với quy mô nhỏ hơn nhưng cũng đã áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mang lại năng suất, hiệu quả cao.
Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản nước lợ, hiện nay Hải Phòng có hơn 3.000ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 3.203,6ha nuôi tôm rảo xen canh cá các loại tập trung chủ yếu tại các huyện, quận: Cát Hải, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Hải An, Dương Kinh và Vĩnh Bảo. Tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng nuôi chủ lực của vùng nước lợ.
Hải Phòng sẽ duy trì ổn định nuôi thủy sản nước ngọt ở các huyện: Vĩnh Bảo (1.300 ha), Tiên Lãng (1.200 ha), Thủy Nguyên (850 ha), An Lão (650 ha), Kiến Thụy (500 ha) và các địa phương khác 800 ha.
Các chuyên gia và bà con nông dân đã chia sẻ nhiều thông tin cũng như kinh nghiệm để nuôi tôm theo hướng an toàn như: ứng dụng công nghệ sinh học không dùng kháng sinh, hóa chất; Các bệnh thường gặp trên tôm nuôi; Cách phòng bệnh cho tôm nuôi; Chọn tôm giống đảm bảo chất lượng; Liều lượng cho tôm ăn hợp lý; Mật độ nuôi tôm, trọng lượng tôm; Liên kết, chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm; Cách sử dụng men vi sinh hiệu quả; Vấn đề môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm… Từ đó giúp bà con nông dân trang bị thêm một số kiến thức cần thiết nhằm khắc phục hạn chế rủi ro, phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong thời gian tới.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Kim Văn Tiêu cho biết: “Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 29 diễn đàn, thu hút 6.000 đại biểu đến dự, trong đó 70% là nông dân và trả lời 1.000 câu hỏi thắc mắc đến từ bà cong nông dân. Riêng thủy sản có 6 diễn đàn được tổ chức trong cả nước. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kế hoạch hành động quốc gia của Chính phủ về nuôi tôm cho đến năm 2025 phải đạt xuất khẩu từ tôm là 10 tỷ USD. Thông qua diễn đàn, chúng tôi muốn gửi tới bà con chúng ta cần thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không liên kết. Chuyển giao tư duy là phải tổ chức liên kết theo chuỗi, sản xuất có đầu ra, chuyển tư duy chữa bệnh sang phòng bệnh”.
Việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng đã mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản đối với bà con nông dân. Phong trào nuôi tôm giúp nhiều nông dân ở các địa phương nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.