Nuôi trồng thủy sản vượt khó tăng trưởng khá

Năm 2016 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn với người nuôi cá tra vùng ĐBSCL cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, tình hình nuôi trồng thủy sản cả nước nói chung, nuôi tôm và cá tra nói riêng gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và bà con nông dân trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ nên kết quả nuôi trồng thủy sản năm 2016 khả quan.

Nuôi trồng thủy sản năm 2016 tăng trưởng khá dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả. Ảnh chụp thu hoạch tôm sú ở xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang

Tình hình nuôi cá tra vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, sự không ổn định giá cá tra nguyên liệu thể hiện rõ rệt qua từng quý và thị trường tiêu thụ đã khiến cho người nuôi chưa thực sự yên tâm sản xuất.

Sản lượng 9 tháng đầu năm giảm nhưng lại tăng vào những tháng cuối năm. Tính chung cả năm, sản lượng cá tra ước đạt 1.198,3 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 99,2% sản lượng của cả nước, ước đạt 1.189 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 403,4 nghìn tần (tăng 0,8,%), An Giang đạt 280,5 ngàn tấn (tăng 12,8%)....

Năm 2016 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn với người nuôi cá tra vùng ĐBSCL cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Giá nguyên liệu biến động trong một biên độ lớn, mang tính thất thường đã làm cho doanh nghiệp lẫn người nuôi tiếp tục thua lỗ nặng, giảm từ mức giá 21.000 đồng/kg đầu năm xuống còn 18.000 đồng/kg (tháng 8/2016), nhưng sau đó lại tăng lên xấp xỉ 23.000 đồng/kg,với lượng cá tra nguyên liệu trong dân gần như đã hết.

Thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng cuối năm có xu hướng chậm lại về sức mua và giá cả có xu hướng giảm nhẹ sau một thời gian chững giá ở mức cao. Hiện giá cá tra 750-950 gram/con dao động trọng khoảng từ 21.000-22.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước.

Ngành tôm năm 2016 cũng đối mặt với rất nhiều áp lực từ thời tiết bất lợi, xâm nhập mặn, khan hiếm nguyên liệu và dịch bệnh tái xuất hiện. Tuy nhiên, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ và đổi mới công nghệ, thị trường tôm vẫn ổn định tăng với nguồn xuất khẩu lớn. Giá tôm nguyên liệu trong tháng 12 giữ ở mức cao do nguồn cung ít và nhu cầu thu mua của các nhà máy chế biến xuất khẩu cao.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg hiện ở mức 218.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 40 con/kg tăng ở mức 180.000 đồng/kg. Tôm thẻ cỡ 50 con/kg tăng 4.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng trước lên 138.000 đồng/kg, còn tôm thẻ cỡ 60 con/kg tăng 3.000 đồng/kg lên 133.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú loại 30 con/kg duy trì ổn định ở mức 195.000 đồng/kg. Do nguồn hàng khan hiếm, tình hình xuất khẩu cuối năm khởi sắc đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên mức khá cao.

Năm 2016, mặc dù tình hình hạn mặn và dịch bệnh làm ảnh hưởng nhiều tới nuôi tôm nước lợ trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mưa nhiều trong những tháng cuối năm, độ mặn giảm... cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp trong việc kiểm soát dịch bệnh nên sản lượng thu hoạch tăng vào những tháng cuối năm. Sản lượng tôm nước lợ cả nước ước đạt 609.300 tấn (tăng 3,3%), trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 251,7 nghìn tấn (tăng 1%), tôm thẻ chân trắng ước đạt 357,6 nghìn tấn (tăng 5%). Tại các tỉnh ĐBSCL, diện tích tôm sú ước đạt 569.500 ha (tăng 1,8%), sản lượng ước đạt 251 nghìn tấn (tăng 2,1%); diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 64.440 ha, sản lượng ước đạt 253.1 nghìn tấn (tăng 15,6%).

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng các cơ sở chế biến và kinh doanh xuất khẩu thủy sản quy mô công nghiệp đăng ký xuất khẩu năm 2016 là 626 cơ sở, tăng 30 cơ sở so với năm 2015. Tổng công suất chế biến thủy sản cho xuất khẩu và nội địa ước đạt 2,9 triệu tấn sản phẩm/năm. Công suất chế biến huy động đạt 65-70%, với khối lượng sản phẩm chế biến đạt khoảng 1,85 triệu tấn, trong đó khoảng 1,4 triệu tấn dành cho xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chế biến đã quan tâm nhiều đến sản xuất các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, chế biến phế phụ phẩm tạo ra sản phẩm cao cấp như dầu cá tinh luyện, colagen, glucozamin, surimi, bột cá cao cấp, chả cá. Sản phẩm thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa ước đạt 0,5 triệu tấn sản phẩm với giá trị ước khoảng 18 – 20 nghìn tỷ đồng với các sản phẩm chính như nước mắm và mắm các loại, thủy sản khô các loại, thủy sản đông lạnh, giò chả thuỷ sản, thủy sản ăn liền, sứa ướp muối phèn, rong, aga, bột cá... đủ đáp ứng cho nhu cầu nội địa.