OCOP nâng tầm sản phẩm “made in” Thạch Hà
- Thứ hai - 02/09/2019 00:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khẳng định chất lượng, vươn tầm thị trường
Năm 2018, sản phẩm kẹo cu đơ Phong Nga (xã Thạch Đài) là một trong 6 sản phẩm điểm của OCOP Hà Tĩnh. Sau khi tham gia sân chơi mới này, thị trường tiêu thụ được mở rộng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga, cho biết: Tham gia OCOP là cơ hội tốt cho doanh nghiệp nói chung và các sản phẩm nói riêng đến với thị trường dễ dàng hơn. Hiện cơ sở đang tập trung đầu tư sản xuất, đẩy mạnh công nghệ chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng, thiết kế mẫu mã, bao bì hấp dẫn để cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng,thương hiệu tốt nhất…
Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh hiện đang thực hiện sản xuất chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao. Đặc biệt là liên kết với nông dân sản xuất lúa theo chuỗi. Hiện, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo với công suất thiết kế 20.000 tấn/năm phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Sản phẩm gạo Ngọc Mầm của công ty là một trong những sản phẩm được huyện Thạch Hà lựa chọn tham gia OCOP năm 2019 .
“Sống” lại giá trị làng nghề truyền thống
“Ai về Thống Nhất, Ba Giang/Quê hương nón trắng tơ vàng là đây”. Xã Phù Việt hàng trăm năm nay đã nổi tiếng với nghề làm nón. Với tiềm năng và chất lượng sản phẩm, địa phương đang từng bước đưa nón lá thành sản phẩm OCOP.
Theo người dân nơi đây, nón đẹp cần vật liệu tốt, tre phải dao lóng (lóng dài), mắt tre, nứa phải chìm không dô ra, lá nón vừa chín khi phơi nắng xong phải trắng nõn, mịn màng...Vì thế để làm nên nón đẹp người chằm nón phải lựa chọn vật liệu như “tuyển lính”. Để tô điểm cho chiếc nón thêm phần thanh mảnh, duyên dáng, các o, các chị cài thêm hoa giấy, những sợi chỉ đỏ xanh vào trong nón. Không phải ai cũng làm được nón đẹp mà phải từ bàn tay của những cô gái khéo léo hoặc là các cao niên có tính tỷ mỉ chu đáo.
Ông Nguyễn Đăng Thuần, Phó chủ tịch UBND xã Phù Việt, cho hay, nón lá là sản phẩm độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa của địa phương. Giữ gìn được nghề truyền thống đã khó, thì việc phát triển nghề đó còn khó hơn, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Làm thế nào để nghề truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là những trăn trở của địa phương.
“Tham gia OCOP là cơ hội làm “sống” lại các giá trị làng nghề truyền thống của địa phương, tạo ra sản phẩm tốt, có thị trường bền vững, gia tăng giá trị sản xuất và đương nhiên thu nhập người dân cũng sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Nhuần kỳ vọng.
“Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi..., Thạch Hà quyết tâm xây dựng, triển khai thành công OCOP nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng lợi ích cộng đồng, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng tầm các sản phẩm địa phương, tạo ra “làn gió mới” trong XDNTM”, ông Lê Minh Sơn, Phó chánh văn phòng điều phối NTM huyện Thạch Hà nói.
Theo Bảo châu/kinhtenongthon