Phá bỏ những vướng mắc trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn
- Thứ ba - 24/09/2013 20:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong vụ lúa đông xuân 2012-2013, Hậu Giang xây dựng được năm điểm chỉ đạo thực hiện CÐML với diện tích khoảng 1.314 ha, có hơn 1.500 hộ nông dân tham gia. Trong đó, cánh đồng tại xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) là hai mô hình điểm của tỉnh, còn lại do các huyện, thị xã đảm nhận, gồm CÐML ở thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ), xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp) và phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy). Sau khi triển khai thực hiện, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hệ thống đê bao khép kín khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa cho người dân. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân canh tác trong khu vực CÐML. Như ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy nấm xanh, mô hình ba giảm ba tăng, một phải năm giảm... để phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng. Ðặc biệt là từng bước tạo nên bước đột phá nhờ sự phối hợp giữa doanh nghiệp với người dân thông qua hình thức liên kết cung ứng vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa tại hai CÐML xã Vị Thanh và Trường Long Tây. Ông Dương Hoàng Be, một nông dân tham gia CÐML ở xã Trường Long Tây phấn khởi cho biết: "Mô hình CÐML đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Ngoài được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, nông dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ bằng cách bán lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi, trả chậm không tính lãi... nên nhẹ gánh lo".
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT Hậu Giang, mô hình CÐML của tỉnh bước đầu đạt 3/6 tiêu chí theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Ðáng kể là đạt tiêu chí số 2 về quy mô diện tích từ 300 đến 500 ha liền canh và có khả năng phát triển rộng ra chung quanh, hướng tới mô hình quy trình canh tác tập trung, với quy mô vùng nguyên liệu lên từ 3.000 đến 5.000 ha, góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trên đồng ruộng, xóa dần tập quán sản xuất nhỏ lẻ, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo khi xuất khẩu. Ðặc biệt, bước đầu kết nối được mối liên kết "bốn nhà", nhất là nhà doanh nghiệp cung cấp đầu vào với nông dân. Có thể nói, các biện pháp đầu tư về cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ bước đầu được tiến hành khá đồng bộ. Kết quả từ vụ đông xuân vừa qua cho thấy, năng suất lẫn giá thành sản xuất lúa trong hai CÐML chỉ đạo điểm của tỉnh cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năng suất đã tăng gần 5,5%, còn giá thành sản xuất giảm 19%, lợi nhuận tăng thêm hơn 40%, khoảng 4,5 triệu đồng/ha so với bên ngoài CÐML.
Tuy nhiên, "nút thắt" lớn nhất trong phát triển mô hình CÐML ở Hậu Giang hiện nay chính là khâu đầu ra. Mặc dù tỉnh vận dụng phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhưng cách triển khai thu mua cũng còn bất cập nên nông dân chưa yên tâm.
CÐML ở xã Vị Thanh tưởng chừng sẽ trở thành mô hình điểm thực thụ của người trồng lúa của tỉnh ngay trong vụ lúa đông xuân 2012-2013, khi mà Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang cùng các doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, giải quyết nỗi lo đầu ra hạt lúa cho người dân. Thế nhưng, hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa HTX Vị Thanh và công ty thiếu chặt chẽ, thiếu tính ràng buộc lẫn nhau, dẫn đến công tác thu gom, giao nhận sản phẩm bế tắc giữa chừng. Vì doanh nghiệp bất ngờ thay đổi phương thức thu mua từ lúa sang gạo, thay đổi địa điểm thu mua... Trong khi đó, kinh nghiệm, năng lực thu gom, vận chuyển, giao nhận sản phẩm của HTX còn hạn chế.
Theo đại diện của HTX Vị Thanh, hơn một nửa diện tích lúa trong hợp đồng đã bị thương lái bên ngoài thu mua với mức giá cao hơn khoảng 30 đồng/kg lúa tươi cùng thời điểm. Vì thế, HTX chỉ thu gom được 245 tấn, kể cả 101 tấn lúa sấy khô bóc vỏ trước khi giao cho công ty trong tổng sản lượng khoảng 600 tấn. Ðây là nguyên nhân lý giải vì sao mà vụ hè thu vừa rồi, không ít người dân trong khu vực CÐML xã Vị Thanh thay vì trồng lúa chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì lại chuyển sang gieo sạ giống IR 50404. Còn ở CÐML xã Trường Long Tây, với 30 ha lúa OM 4900 của người dân được sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang cũng buộc phải bán cho thương lái bên ngoài vì phương thức thu mua sản phẩm không được thực hiện như giao ước lúc đầu.
Một nghịch lý là trong khi khuyến cáo nông dân trồng lúa chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu, nhưng khi thu hoạch nông dân chỉ bán được với giá không cao hơn bao nhiêu, thậm chí có lúc bằng với giá lúa thường. Nông dân cảm thấy trồng lúa chất lượng cao chưa thật sự mang lại hiệu quả tương xứng với công sức, tâm huyết mà mình đổ xuống đồng ruộng. Do đó, cũng có không ít nông dân tự ý chọn giống sản xuất cho mình, không theo khuyến cáo của doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Ðồng, giá cả, thị trường xuất khẩu lúa gạo diễn biến thất thường đã khiến cho các đơn vị thu mua, chế biến gặp nhiều khó khăn. Ðó là chưa nói đến hệ thống kho chưa bảo đảm yêu cầu thu mua, tạm trữ lúa gạo. Vì thế, doanh nghiệp cần tham gia ngay từ đầu vụ sản xuất trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu để nông dân an tâm sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Song song đó, cũng cần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các kho dự trữ lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh khẳng định: Mô hình CÐML là một trong nhiều mô hình tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới. Mô hình này không chỉ áp dụng trên cây lúa mà cả đối với các cây trồng chủ lực khác của tỉnh như mía, khóm, cây ăn trái... Qua đó, nhằm gắn kết sản xuất với nhu cầu thị trường, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, đòi hỏi phải thực hiện tốt ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, tổ chức sản xuất đến liên kết đầu vào và đầu ra. Trước hết là làm sao tạo sự khác biệt về hiệu quả kinh tế, bảo đảm giá cả, đầu ra, từ đó tạo dựng niềm tin cho người dân, toàn tâm toàn ý tham gia trong quá trình triển khai nhân rộng mô hình. Riêng những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện thí điểm CÐML thời gian qua được xem là những kinh nghiệm, làm cơ sở cho tỉnh thực hiện tốt hơn trong vụ lúa đông xuân tới.
theo nhandan