Phải có quy hoạch sản xuất trước khi đào tạo nghề

Chưa bao giờ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là nông dân bị thu hồi đất, lại trở nên “nóng” như thời điểm này. Dạy nghề gì, bắt đầu như thế nào, giải quyết việc làm sau khi đào tạo ra sao,… là những vấn đề chúng tôi trao đổi với ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Phải có quy hoạch sản xuất trước khi đào tạo nghề

Thưa ông, vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất hiện vẫn là nhiệm vụ khó khăn. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung, nông dân bị thu hồi đất nói riêng?

Tổng cục Dạy nghề đã thí điểm triển khai bốn nhóm mô hình dạy nghề để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng, gồm: dạy nghề nông nghiệp; dạy nghề tiểu thủ công nghiệp; dạy nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và dạy nghề đối với thuyền viên, thủy thủ tàu, thuyền đi biển. Tháng 01/2012, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 đã tổng kết việc thí điểm các nhóm mô hình dạy nghề, thấy: ở một số nơi, nhất là ở các xã thí điểm XDNTM, các mô hình dạy nghề điểm đã hình thành mô hình sản xuất mới theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp sản xuất, dịch vụ, như: Thụy Hương (Chương Mỹ - Hà Nội); Tân Thông Hội (Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh)... Một số lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, dịch vụ. Một số lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất tại nông thôn để thực hiện mục tiêu “ly nông bất ly hương” như: Hưng Hà (Thái Bình), Thiệu Đô (Thiệu Hóa - Thanh Hóa), Sơn Động (Bắc Giang); Hải Đường (Hải Hậu - Nam Định); Vĩnh Bảo (Hải Phòng); Phổ Yên (Thái Nguyên); Giồng Trôm (Bến Tre)... và thành công nhân tại các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng, dịch vụ khác.

Theo đánh giá của ông, đâu là những điểm mạnh, yếu của “công nhân nông dân”?

Bên cạnh các khu công nghiệp tập trung, việc hình thành các nhà máy, cơ sở sản xuất ngay tại nông thôn đã thu hút số lượng lớn lao động nông thôn. Họ ở tại nhà, sống tại quê, nhưng làm việc cho doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ; tiền lương không bằng ở thành phố, nhưng cao so với thu nhập làm nông nghiệp; không phải thuê nhà và chịu các chi phí đắt đỏ và những phát sinh về mặt xã hội ở đô thị; không làm gia tăng mật độ cư dân và áp lực giao thông ở các thành phố. Thu nhập của người dân ở nông thôn tăng, kích thích tiêu dùng và các dịch vụ, sản xuất tại nông thôn phát triển. Mặc dù doanh nghiệp phải gia tăng một phần chi phí vận chuyển, nhưng bù lại phần tiết kiệm chi phí nhân công và đặc biệt là “dễ” tuyển được lao động để tổ chức sản xuất đã đem lại nguồn lợi không nhỏ...

Điểm hạn chế ở đây là tác phong công nghiệp của công nhân ở môi trường công nghiệp mà vừa hôm trước họ còn là nông dân. Thực tế đã xảy ra khi nhà có giỗ hoặc hiếu, hỷ; làng có hội, lễ, Tết..., công nhân sẵn sàng “rủ nhau” nghỉ việc, ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng đặt ra cho các địa phương và doanh nghiệp phải quan tâm giải quyết.

Thời gian tới, chúng ta sẽ làm gì để khắc phục những hạn chế này, thưa ông?

Năm 2012, Tổng cục Dạy nghề đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã điểm XDNTM và các doanh nghiệp. Ưu tiên tổ chức dạy nghề, đặt hàng dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác và lao động nông thôn ở các xã XDNTM. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học.

Trong tổ chức dạy nghề, cùng với việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người học, các cơ sở dạy nghề cần đưa vào chương trình dạy nghề kiến thức về kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp và các kỹ năng mềm (pháp luật lao động, kỷ luật lao động, tác phong làm việc theo nhóm, theo yêu cầu của dây chuyền sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường...) để huấn luyện người lao động và hỗ trợ sau học nghề về tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ vay vốn và các điều kiện để tổ chức sản xuất; hỗ trợ về thị trường, tiêu thụ sản phẩm... để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Điều đặc biệt quan trọng, phải được các địa phương thực hiện trước đó là công tác quy hoạch, gồm: quy hoạch sản xuất nông nghiệp; quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch XDNTM... Có quy hoạch sản xuất trước mới tổ chức dạy nghề để đào tạo nhân lực thực hiện quy hoạch.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Ktnt