Phải coi doanh nghiệp là động lực chính cho phát triển nông nghiệp
- Thứ tư - 14/11/2018 03:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cùng chủ trì Hội nghị có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường.
Qua 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII đã đề ra. Nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án về cả 3 trụ cột (kinh tế, xã hội, môi trường) đã đạt hoặc gần tiệm cận mục tiêu của năm 2020.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp |
Về mục tiêu kinh tế, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (có thời điểm tăng trưởng âm), nhưng tính chung cả giai đoạn, nông nghiệp vẫn đạt được tăng trưởng 2,55%/năm. Việt Nam đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, có thứ hạng trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước; riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt trên 36 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước; năm 2018 ước đạt 40 tỷ USD.
Về mục tiêu xã hội, cùng với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm, thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 1,71 lần.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng; là một quá trình, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực; cần sự chung tay, sự sâu sát của các ban, bộ, ngành và cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân, doanh nghiệp.
Theo đó, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển, đồng thời, khắc phục những điểm còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp.
Trên cơ sở tái cơ cấu, Bộ NN&PTNT chủ trì với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức lập các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng kế hoạch để xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư hạ tầng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. “Phải coi doanh nghiệp là động lực chính cho phát triển nông nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới đảm đương được các nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất (vốn, giống, nhân lực, công nghệ…); tổ chức sản xuất; đầu tư ứng dụng KHCN; tổ chức tiêu thụ sản phẩm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải gắn thu hút doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp với hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Cùng với các doanh nghiệp, một lực lượng đóng vai trò quyết định đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chính là khoa học công nghệ. “Tái cơ cấu nông nghiệp cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, đặc biệt là ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến cho phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩn nông nghiệp có năng suất, chất lượng, khối lượng đột phá và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...); bảo vệ người nông dân, bảo vệ người tiêu dùng.
“Người nông dân phải được ăn, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về nhiệm vụ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải lấy thị trường khu vực và quốc tế là nhân tố quyết định cạnh tranh thành công của nông sản Việt Nam, đồng thời, phải coi trọng thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân.
“Thị trường trong nước với 90 triệu dân phải được đặc biệt coi trọng, người dân phải được sử dụng các sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Muốn thực hiện được mục tiêu này, phải tổ chức lại thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường bán lẻ. Cùng với đó, phải tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. Đối với thị trường thế giới, phải giữ vững các thị trường truyền thống, đồng thời tích cực đàm phán để đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến các thị trường mới; tích cực quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam.
Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, các bộ, ngành sẽ sẽ tập trung tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính… Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sản xuất./.
Phương Linh/http://thoibaonganhang.vn