“Phải thay đổi tư duy và có cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vững”
- Thứ bảy - 20/08/2016 08:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tây Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây Bắc và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khó khăn nên cho đến nay Tây Bắc vẫn là vùng khó khăn nhất trong 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước.
Phải thay đổi tư duy và có cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vững để quyết tâm thoát nghèo
Ngày 19/8, tại Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc”.
Ông Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc) nhấn mạnh: “Hỗ trợ một xã thoát nghèo đã khó, hỗ trợ cả một vùng với rất nhiều khó khăn thoát nghèo là một thách thức rất lớn. Hơn nữa, giúp cho vùng lõi nghèo thoát nghèo theo chuẩn mới là một việc không thể dễ dàng. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, nếu quyết tâm và có cách thức tổ chức tốt, được trung ương và quốc tế hỗ trợ, vùng Tây Bắc có thể thoát khỏi vị trí vùng nghèo nhất nước.”
Về tổng thể phải thay đổi tư duy và có cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vững trên cả mặt: giảm nghèo theo chuẩn nghèo về thu nhập và tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát triển sản xuất tạo ra những điểm sáng lan toả về phát triển kinh tế hàng hoá trong mối liên kết kinh tế vùng, khai thác tiểm năng kinh tế rừng gắn với bảo tồn môi trường sống, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số, tập trung nâng cao dân trí và đảm bảo an sinh xã hội.
Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo tập trung bàn về 3 nhóm vấn đề chính đó là: Làm rõ quan điểm về công tác giảm nghèo, trong đó thống nhất, xóa đói, giảm nghèo là định hướng lớn trong chủ trương xây dựng, phát triển đất nước. Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra của công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và ở Tây Bắc nói riêng những năm qua. Các kiến nghị, chủ trương, các giải pháp cơ bản cho công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều bảo đảm tính bền vững cho Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại hội thảo
Xây dựng những giải pháp chiến lược, hiệu quả
Phát biểu tại hội thảo khoa học-thực tiễn, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Đối cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm 2011 - 2015 ở vùng Tây Bắc đã giảm rõ rệt, từ 34,41% xuống còn 18,26% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, bình quân giảm trên 6%/năm, vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm. Tuy vậy, hiện Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, 6 tỉnh Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo”. Người nghèo Tây Bắc chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa (95%). Do đó cần phải tập trung và có những giải pháp xóa đói, giảm nghèo cho vùng Tây Bắc.”
Chương trình hội thảo thu hút được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc. Giảm nghèo cho khu vực này là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trên cơ sở đó, các chương trình hành động, các chính sách trực tiếp cho công tác xóa đói, giảm nghèo đã có những ưu tiên đặc thù cho các địa bàn đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc. Cần đổi mới tư duy, có chiến lược để giảm nghèo, đặc biệt là nghèo về thu nhập. Hỗ trợ nâng cao trình độ dân trí, giáo dục, phát triển sản xuất thoát nghèo.
Các giải pháp cơ bản cho công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều bảo đảm tính bền vững các tỉnh Tây Bắc nói chung trong thời gian tới. Khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng trong các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và kinh tế biên mậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả vùng và từng địa phương, đối xử thân thiện với các nhà đầu tư, cùng họ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút dự án đầu tư trong nước và quốc tế vào Tây Bắc. Các tỉnh phải liên kết với nhau, nhất là liên kết trong phát triển chuỗi giá trị du lịch và liên kết các quy hoạch, cùng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, hạn chế tối đa sự cạnh tranh mang tính giành giật dự án của nhau.
Theo A.L/dantri.com.vn