Phải thoát khỏi tư duy cũ để thiết kế cơ chế cho tương lai

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm trong hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tổ chức sáng 20/8, tại Bình Định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tư duy xây dựng cơ chế mới cần vượt ra khỏi những vướng mắc, hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phó Thủ tướng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng để miền Trung mạnh lên cần hướng ra biển, tận dụng triệt để “cửa ra quốc tế” bằng cảng biển, sân bay, đồng thời gắn kết chặt chẽ với khu vực Tây Nguyên, hành lang Đông-Tây.

Phó Thủ tướng cho rằng miền Trung có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đây là thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia như Nhật Bản, Israel phát triển thành công trong điều kiện tài nguyên nghèo nàn, thiên nhiên không thuận lợi nhờ phát huy tối đa nguồn lực con người, áp dụng khoa học công nghệ  hiện đại vào sản xuất. “Người miền Trung cũng rất ý chí, cần kiệm, quyết liệt, toả đi khắp nơi và nếu kết nối, huy động được thì miền Trung hoàn toàn có cơ hội”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh miền Trung đã biết tận dụng “thế mạnh của người đi sau”. Điển hình trong du lịch, nhiều khu nghỉ dưỡng, điểm đến có đẳng cấp quốc tế đã được xây dựng tại nhiều tỉnh miền Trung đã tạo dư địa phát triển mới với tầm nhìn dài hạn. Hay trong chuẩn bị đón đầu khoa học, công nghệ mới thì một địa phương như Bình Định đã có những bước đi bài bản hơn một số địa phương, thành phố lớn.

“Chúng ta có 41 trường ĐH, nhưng nằm chủ yếu tại 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm, và ngoài ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng có chất lượng tương đối thì các trường còn lại cơ bản là yếu. Nhiều bệnh viện tỉnh dù cơ sở vật chất tương đối khang trang, hiện đại nhưng thiếu bác sĩ giỏi. Do vậy, yêu cầu đặt ra trước mắt là phải có quy hoạch, đầu tư, ngân sách… để hình thành một số trung tâm mạnh về kinh tế, giáo dục, khoa học, y tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng ngoài cơ chế, chính sách thông thoáng, các tỉnh miền Trung phải tăng cường huy động các doanh nghiệp lớn, “đầu đàn” làm nòng cốt phát triển kinh tế. Khi kinh tế tốt lên thì dành nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, y tế, đào tạo nhân lực, nâng cao tiềm năng nghiên cứu khoa học. Từ đó mới thu hút được những người giỏi về làm việc trong các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện…

“Chúng ta phải bàn rất sâu vấn đề này, có chiến lược kết hợp phát triển kinh tế với hình thành hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở khám chữa bệnh, khoa học về sức khoẻ. Bên cạnh vấn đề kinh tế, các địa phương cần chú ý đúng mức, kịp thời và có giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề xã hội”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Nói thêm về vấn đề cơ chế, theo Phó Thủ tướng, đây là thời điểm chuẩn bị dự thảo văn kiện đại hội Đảng, chiến lược phát triển đất nước, do đó, tư duy xây dựng cơ chế mới cần vượt ra khỏi những vướng mắc, hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành, nếu không sẽ không làm được. “Chúng ta không nên tự 'trói' mình bằng các quy định của pháp luật được hình thành bởi tư duy và hoàn cảnh trước đây. Những gì chưa cụ thể thì nên có cơ chế để thí điểm trên tinh thần giao đầy đủ trách nhiệm đi kèm quyền hạn để sau đó tổng kết lại để nhân rộng hoặc điều chỉnh”.

Theo Đình Nam/Chinhphu.vn