Phân bổ vốn đầu tư trung hạn: Lo tiếp diễn đầu tư dàn trải, manh mún
- Thứ ba - 21/02/2017 09:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 1.120 nghìn tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 880 nghìn tỷ đồng. Trong tổng số vốn nêu trên, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định: (1) 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; (2) 72.817 tỷ đồng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia; (3) Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn gồm: (i) Dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; (ii) Các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt trong việc hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ban hành nhiều văn bản, công điện hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành trung ương và địa phương. Tuy nhiên, do mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 giảm khá lớn so với mức dự kiến ban dầu, nên các bộ, ngành trung ương và địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết.
Dù vậy, đến ngày 17/2/2017, chỉ còn 3 địa phương (Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định) chưa gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 và 3 bộ, ngành trung ương (Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) chưa dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối NSNN giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chi tiết kế hoạch vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 đúng theo quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo hướng phải phục vụ tốt nhất việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, phải bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ để lành mạnh hệ thống tài chính quốc gia; ưu tiên bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, đối ứng các dự án PPP… để huy động được tối đa các nguồn lực và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư.
Việc phân bổ vốn phải bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành trung ương và địa phương. Theo đó trung ương chỉ thông báo tổng mức vốn kế hoạch, các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn kế hoạch cho từng dự án theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội đã quy định.
Nhận xét kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đổi mới quan trọng trong việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định cân đối vĩ mô, an toàn nợ công và khắc phục trình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, trong đó chú ý nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu để giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính vì dù có thời gian chuẩn bị khá dài nhưng việc xây dựng, đề xuất danh mục phân bổ vốn của các bộ, ngành trung ương, địa phương và tổng hợp, hoàn thiện danh mục của Chính phủ trình UBTVQH còn hạn chế, lúng túng.
Ông Hải cho biết, qua thẩm tra, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, Luật đầu tư công. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư…
Ủy ban này cũng chỉ ra một loạt điểm hạn chế trong kế hoạch phân bổ hiện nay. Đó là phần lớn vốn đầu tư trung hạn từ nguồn NSNN đã được tổng hợp, phân bổ cho từng dự án. Tuy nhiên, sau khi trừ tỷ lệ dự phòng, còn khoảng 45.000 tỷ đồng vốn NSTW chưa có phương án phân bổ trong khi nhu cầu vốn nhiều dự án của các bộ, ngành chưa được bố trí.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 15/2/2017, nợ đọng xây dựng cơ bản về cơ bản đã được bố trí đủ nguồn để thanh toán theo quy định và các bộ, ngành địa phương đã bố trí 50.516,413 tỷ đồng/79.499,613 tỷ đồng vốn ứng trước phải thu hồi. Tuy nhiên, Chính phủ chưa báo cáo rõ số vốn ứng trước tối thiểu phải thu hồi của các bộ, ngành; số liệu chưa thống nhất giữa phụ lục và báo cáo giải trình,... dẫn đến chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ, số liệu để so sánh, đánh giá mức độ tuân thủ của các bộ, ngành trong việc chấp hành thứ tự ưu tiên trong bố trí nguồn để thu hồi vốn ứng trước.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng dẫn ra quy định của Nghị quyết số 26/2016/QH14, các bộ, ngành, địa phương phải cam kết bố trí đủ phần vốn còn thiếu. Tuy nhiên, Chính phủ chưa thể hiện rõ cam kết của bộ, ngành, địa phương, chưa đề xuất định hướng cắt, giảm hạng mục dự án, phương án, tổng mức huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, dẫn đến chưa đủ căn cứ để xem xét, quyết định. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế, việc bố trí vốn dàn trải như phương án Chính phủ trình sẽ dẫn đến kéo dài tình trạng dự án dở dang, giảm hiệu quả đầu tư, gây áp lực cho cân đối vốn giai đoạn sau.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nêu hàng loạt những tồn tại về tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, lãng phí hiện nay, đồng thời đề nghị Chính phủ cần tăng cường kỷ luật kỷ cương đầu tư công và tài chính ngân sách. “Trong giai đoạn hiện nay, người dân rất quan tâm đến việc quy thẩm quyền và trách nhiễm rõ ràng đối với người đứng đầu. Quyết định đầu tư phải cân đối được nguồn vốn và quy trách nhiệm cho người chịu trách nhiệm ra quyết định đầu tư”, bà Thịnh phát biểu.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tuân thủ nghiêm Luật đầu tư công, nhất là những điều cấm trong luật này, đặc biệt là quy định không cân đối được nguồn vốn mà vẫn đưa vào danh mục dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí.
UBTVQH cũng đồng ý với danh mục dự án và việc bố trí vốn của các bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ đúng Luật đầu tư công, Luật NSNN và Nghị quyết số 26 của Quốc hội. Đồng thời yêu cầu Chính phủ tạm dừng, chưa phân bổ vốn với dự án chưa tuân thủ các Luật trên và đề nghị Chính phủ đôn đốc báo cáo Thường vụ Quốc hội trước 31/3 tới. Nếu sau thời hạn đó, các bộ, ngành, địa phương nào vẫn không tuân thủ, UBTVQH sẽ báo cáo trước Quốc hội để chuyển đổi toàn bộ nguồn này vào nguồn dự phòng chung.
Trần Hương
http://thoibaonganhang.vn