Phấn đấu đến năm 2020, Mê Linh đạt chuẩn huyện Nông thôn mới

HNP - Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, đến nay, huyện Mê Linh đã đạt được những dấu mốc quan trọng, bộ mặt nông thôn của huyện và đời sống người dân đã có nhiều thay đổi tích cực.
 

Trước khi thực hiện xây dựng NTM, 10 năm về trước, nông nghiệp, nông thôn của huyện Mê Linh phát triển chưa bền vững, đời sống của nông dân còn khó khăn, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cần được giải quyết. Qua rà soát, trong 19 tiêu chí về NTM của các xã thì cơ bản các xã mới chỉ đạt 1 tiêu chí là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kết cấu hạ tầng yếu và thiếu đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, chiếm tỷ lệ 8,64%; kinh tế hộ chủ yếu là kinh tế thuần nông, thiếu các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Bắt tay vào thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Mê Linh đã thành lập BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ; thành lập Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM; thành lập Hội đồng thẩm định và nghiệm thu các xã đạt chuẩn NTM; ban hành quy chế hoạt động BCĐ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh; tuyên truyền cổ động trực quan; tuyên truyền qua các lớp tập huấn chuyên đề, quán triệt nghị quyết, chương trình. Trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức quán triệt, học tập Chương trình 02 của Thành ủy cho hơn 7.600 lượt cán bộ, đảng viên tham gia; chỉ đạo tuyên truyền qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị...

Kết quả, đến năm 2017, toàn huyện đã có 100% các xã được phê duyệt quy hoạch sản xuất; dồn đổi được 3.280ha, đạt 100% diện tích theo kế hoạch và đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các xã: Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa, Tự Lập; Vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các xã: Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong, Văn Khê, Kim Hoa; Vùng sản xuất cây ăn quả ở các xã Chu Phan, Hoàng Kim, Tráng Việt; Vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các xã: Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng, Tam Đồng, Chu Phan... Đến nay, toàn huyện có 337 hộ đã được UBND huyện chấp thuận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời phê duyệt phương án chuyển đổi cho 73 hộ. Giá trị, hiệu quả kinh tế từ các mô hình tăng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trên một hecta.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, trrên địa bàn huyện đã hình thành các Hợp tác xã làm đất, Hợp tác xã mấy cấy, máy gặt đập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Đến nay, toàn huyện có 168 máy làm đất, 48 máy gặt đập liên hợp; 176 máy vò tuốt lúa và hơn 6.500 máy phun thuốc động cơ. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích nông dân đưa hệ thống tưới nước bán tự động vào sản xuất rau màu. Qua đó, giúp giảm sức lao động, giảm thời gian làm đất và thu hoạch cho nông dân, thúc đẩy hoạt động dịch vụ nông nghiệp phát triển, tăng hiệu quả kinh tế.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp thuận lợi trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng năm huyện có kế hoạch xây dựng, hỗ trợ các đơn vị thực hiện chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Huyện đã hỗ trợ xây dựng được 03 chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản đó là: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ hoa, rau, củ, quả tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt. Chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong xã Tiến Thịnh và chuỗi sản xuất, tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt. Từ các mô hình chuỗi được xây dựng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, hiện nay các chuỗi đã có sản phẩm xuất khẩu ra ngoài nước. Sản lượng tiêu thụ của các đơn vị sản xuất ngày càng tăng, giá trị sản phẩm tăng từ 120% đến 150%, thu nhập bình quân đạt 1,5 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn thay đổi nhanh chóng và toàn diện. Trong 10 năm, huyện Mê Linh đã đầu tư xây dựng được hơn 50km đường quốc lộ, tỉnh lộ; hơn 44km đường liên xã; gần 170km đường trục chính thôn; gần 430km đường ngõ xóm; 301km đường trục chính nội đồng. Tỷ lệ đường giao thông toàn huyện được cứng hóa đạt 95%. Huyện đã thực hiện cứng hóa được hơn 168km kênh mương nội đồng; xây mới, cải tạo, nâng cấp 135 trạm biến áp; thay mới hơn 245km đường dây trung thế, 480km đường dây hạ thế; cải tạo, thay thế, xây dựng mới hơn 1 nghìn cột điện.

Nhiều công trình như trụ sở làm việc của các xã, trường học được đầu tư xây dựng mới khang trang hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu làm việc và học tập của cán bộ và con em nhân dân trên địa bàn; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, kịp thời phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các công trình thiết chế nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đến từng thôn, xóm, khu dân cư phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân nông thôn. Đã xây mới được 16 hội trường văn hóa xã, 58 nhà văn hóa thôn, nâng tỷ lệ thôn có nhà văn hóa trên địa bàn huyện đạt gần 91%.

 

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm.Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn huyện giảm còn 1,41%, giảm 7,23% so với năm 2010. Trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức cấp hơn 21 nghìn suất quà cho đối tượng người có công, hộ nghèo, người cao tuổi, cán bộ hưu trí, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 7,3 tỷ đồng. Giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn; huyện đã tiến hành đào tạo nghề cho hơn 11.800 lao động nông thôn; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt gần 85%.

Tổng giá trị huy động đầu tư xây dựng NTM toàn huyện trong 10 năm qua đạt hơn 2.865 tỷ đồng, không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM; đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp được gần 10 nghìn ngày công, hiến được hơn hàng nghìn m2 đất mở đường giao thông xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã có 14/16 xã đạt chuẩn NTM; 2 xã còn lại là Tam Đồng và Tự Lập phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2019.

Thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục xác định việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, cụ thể. Theo đó, sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Hai là, tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, tập trung tiến hành xây dựng NTM nâng cao; đồng thời đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với 2 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định, để đến năm 2020 Mê Linh đạt chuẩn huyện NTM. Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo sự phát triển đồng bộ, hiện đại, gắn với xu thế phát triển đô thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Bốn là, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh CCHC, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân của đội ngũ CB, CC. Tổ chức tốt phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Theo Lam Sơn/Hanoi.gov.vn