Phấn đấu đưa Thanh Oai trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới

(ĐCSVN) – Trong 3 ngày 2 - 4/ 8, Đảng bộ huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng Thanh Oai giàu đẹp, văn minh”.
Các đại biểu trao đổi tại Đại hội. (Ảnh:TH)

Tham dự Đại hội có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng 268 đại biểu chính thức đại diện cho 7.330 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội nêu rõ, nhiệm kỳ qua, kinh tế huyện duy trì mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010 - 2015 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 9.714 tỷ đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và phát triển nông nghiệp chất lượng hiệu quả bền vững. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 26 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội XXI đề ra (25 triệu đồng/người/năm).

Trong phát triển kinh tế, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 5 năm đạt 1.785 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 1,71%. Huyện đã tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất, đã đưa hơn 1.000 tấn giống lúa mới có chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất đại trà. Huyện đã tích cực chuyển đổi mô hình canh tác, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi 1.256 ha, trong đó cây ăn quả 324 ha, rau an toàn là 159 ha, nuôi thủy sản và lúa, cá 720 ha...

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá, nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn huyện đã dồn điền, đổi thửa 5.165ha đạt 101,7% kế hoạch. Vận động nhân dân góp gần 80ha để mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và đào đắp 2.602.363m³, đạt 126% kế hoạch. Nhờ đó, từng bước hình thành vùng sản xuất lớn chuyên canh tập trung, đưa cơ giới vào làm dịch vụ, giảm chi phí sản xuất, chuyển đổi mô hình canh tác và cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cụ thể đã xây dựng 1.215ha lúa chất lượng cao, phát triển nhãn hiệu nhiều sản phẩm giá trị như nếp cái hoa vàng (Tam Hưng), gạo Bồ Nâu (Thanh Văn), cam đường (Kim An)... Đến nay, đã có 3 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 17 xã đạt và cơ bản đạt trên 10 tiêu chí. Năm 2015, huyện phấn đấu có thêm 4 đến 5 xã đạt chuẩn NTM…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ huyện Thanh Oai còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng trưởng thiếu bền vững. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng còn có tình trạng buông lỏng, kém hiệu quả. Chất lượng, nội dung hoạt động của một số chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở các thôn, làng còn chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc nắm bắt tình hình dư luận trong nhân dân, công tác giải quyết đơn thư chưa được kịp thời...

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Thanh Oai đặt ra mục tiêu tổng quát là “Phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị từng bước hiện đại, giàu đẹp, văn minh" với 5 nhiệm vụ trọng tâm cùng 2 khâu đột phá. Để tạo sự bứt phá trong xây dựng NTM cũng như phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới, Thanh Oai sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm chuẩn hóa về trình độ, có phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.

Theo đó, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ huyện Thanh Oai phấn đấu cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Dịch vụ chiếm 31,6%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 56,8%, Nông nghiệp – thủy sản chiếm 11,6%; thu ngân sách Nhà nước đạt 500 tỷ đồng; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; hằng năm kết nạp từ 250 đảng viên trở lên; 99,5% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ hằng năm, trong đó, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm 85%. Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hằng năm đạt 50% trở lên….

Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện cần chú trọng về phát triển kinh tế, thực hiện các giải pháp tích cực, hiệu quả, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng (công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp). Trong đó, huyện phải có giải pháp tăng cường thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ. Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình trong công tác đầu tư đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Đảng bộ huyện chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất từ các xã làm điểm trong toàn huyện. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa; tranh thủ, tận dụng mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm và có tầm, gắn bó với nhân dân.

Đại hội đã bầu 39 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXII, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020./.

Theo: dangcongsan.vn