Phấn đấu tạo việc làm và thu nhập cho trên 10.000 lao động nông thôn

Đó là một trong những mục tiêu Hà Nội đặt trong trong kế hoạch Khuyến công của Thành phố 2020, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng đặt mục hỗ trợ truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn; hỗ trợ 400 lượt cơ sở tham gia hội chợ trong nước, nước ngoài; hỗ trợ 15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ về tư vấn thiết kế mẫu, cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tạo ra trên 350 mẫu sản phẩm mới; hỗ trợ tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho 1.750 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn

Như vậy, trong năm nay Hà Nội dự định sẽ tổ chức 47 lớp truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn. Thời gian truyền nghề, cấy nghề là 3 tháng, gắn lý thuyết với thực hành, giáo viên là các Nghệ nhân, Thợ giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Kết thúc truyền nghề, cấy nghề trung bình có khoảng 80% số lao động được các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn bố trí việc làm với thu nhập ổn định bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, Hà Nội cũng sẽ tổ chức 10 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở công nghiệp nông thôn với các nội dung: Khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và Marketing.

10 lớp tập huấn khác cũng sẽ được tổ chức để giới thiệu các chế độ chính sách mới về hoạt động khuyến công và làng nghề, thời gian 01 ngày cho khoảng 750 lãnh đạo, cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Dự kiến, năm nay thành phố sẽ tổ chức 01 Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mục tiêu thu hút khoảng 100-120 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn Hà Nội và các tỉnh đến gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác cung ứng nguyên liệu, bao tiêu gia công bán thành phẩm ngành thủ công mỹ nghệ.

Để phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội, thành phố cũng sẽ tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2020;

Đồng thời, tổ chức Hội thảo quốc tế “Định hướng chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm” trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020 nhằm nắm bắt thông tin, định hình chiến lược phát triển thương hiệu và gia tăng giá trị cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ lực của Thành phố.

Thành phố cũng sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho 14 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong đó tập trung vào các dự án góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Các nhiệm vụ về cung cấp thông tin, phát triển sản phẩm mới; hợp tác công thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động khuyến công trên địa bàn Thành phố cũng sẽ được triển khai trong năm nay.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch khuyến công Thành phố Hà Nội năm nay dự kiến sẽ có khoảng gần 28 nghìn tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách Thành phố hỗ trợ và kinh phí đối ứng tự chi trả của các cơ sở công nghiệp nông thôn cùng với các nguồn huy động hợp pháp khác.

Theo Minh Anh/thanglong.chinhphu.vn