Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm
- Thứ hai - 17/10/2016 05:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khẳng định Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 hôm 15/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác này đã có nhiều bước tiến căn bản, tạo ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế…
Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương Giảm nghèo bền vững, về kết quả giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân giảm 2%/năm (từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 6%/năm (từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015), đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần), đạt mục tiêu đề ra.
Để đạt được mục tiêu trên, giai đoạn 2011-2015, ngân sách Nhà nước đã bố trí hơn 38,8 nghìn tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh - sinh viên; thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí 2,66 nghìn tỷ đồng; khoảng 4,23 nghìn tỷ đồng để thực hiện công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; 531 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ để xóa nhà tạm theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và 700 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà phòng tránh lũ theo Quyết định 716/QĐ-TTg với tổng kinh phí trên 2 nghìn tỷ đồng; tổng nguồn vốn đã bố trí để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo vượt 59 nghìn tỷ đồng...
Một trong những thay đổi đáng chú ý trong công tác giảm nghèo thời gian qua là việc điều chuyển nguồn vốn tập trung về ngân hàng để cho vay. Đây cũng được xem là cách làm đem lại hiệu quả tích cực. Tổng hợp số liệu cho biết thời gian qua đã có 188 nghìn tỷ đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp cho người nghèo vay.
Đóng vai trò là ngân hàng chủ lực trong cho vay giảm nghèo, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: Trong 14 năm đồng hành cùng người nghèo, truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách vùng nông thôn và đồng hành gắn kết với 4 tổ chức chính trị - xã hội triển khai tín dụng chính sách. Hiện tại tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt 153.306 tỷ đồng với trên 6.792 nghìn hộ đang được vay vốn.
Trong đó có 1,7 triệu hộ nghèo đang vay vốn tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 38 nghìn tỷ đồng; 1,2 triệu hộ cận nghèo đang vay vốn với dư nợ trên 29 nghìn tỷ đồng; gần 1 triệu học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập với dư nợ trên 19 nghìn tỷ đồng; trên 2,4 triệu hộ vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ trên 23 nghìn tỷ đồng...
“Cần rút từ bài học kinh nghiệm việc huy động ngân sách đưa qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giảm tỷ lệ cho không. Đó là việc hỗ trợ cho vay gắn với các khế ước để người nghèo có trách nhiệm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời khẳng định “chúng ta phải quán triệt “cho cần câu chứ không phải cho con cá” để người nghèo tự vươn lên. Nhất là giáo dục, nâng cao dân trí để người nghèo thoát nghèo bền vững”.
Về phương hướng hoạt động giảm nghèo thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó đã nêu rõ mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm với nhiệm vụ đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều này đòi hỏi phải đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất. Với tinh thần quyết tâm như vậy, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
AQ
http://thoibaonganhang.vn/