Phân phối lợi ích giữa người nông dân, doanh nghiệp và tổ chức thương mại

Triển khai 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng, Việt Nam đã nâng cao được thu nhập cho người dân, đặc biệt tạo ra chuỗi nông sản theo mong muốn là sạch, hiệu quả, phân phối lợi ích đều giữa người nông dân, doanh nghiệp và tổ chức thương mại toàn cầu.
Mô hình trồng chè ứng dụng công nghệ cao - Ảnh: baolamdong.vn
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á (GAF), trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, khi thảo luận về việc thực hiện Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra năm 2009, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm vai trò rất quan trọng của nhiều quốc gia, do đó  Tầm nhìn mới trong nông nghiệp là “trúng”.

Để cụ thể hóa tầm nhìn này, từ năm 2010 Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đến nay, PSAV đang triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng: cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp. “WEF đã giúp Việt Nam giới thiệu, tiến cử các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp phối kết hợp giữa Chính phủ với người dân và doanh nhân. Trên 7 nhóm ngành hàng, cho đến nay thực hiện qua gần 10 năm chúng tôi đánh giá bước đầu rất tốt ở chỗ: Thứ nhất, khai thác được tiềm lực về mặt tư bản; thứ hai tổ chức quản trị một cách chặt chẽ; thứ ba, nâng cao được thu nhập cho người dân, đặc biệt tạo ra chuỗi nông sản theo ý đồ chúng ta mong muốn là sạch, hiệu quả, phân phối lợi ích đều giữa người nông dân, doanh nghiệp và tổ chức thương mại toàn cầu” – Bộ trưởng Cường cho biết.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra dẫn chứng với hai mô hình hợp tác công – tư do Néstle và Unilever phối hợp thực hiện, Việt Nam đã xây dựng 2 nhóm ngành hàng cà phê và chè rất có hiệu quả.

Đối với chuỗi ngành hàng cà phê do Néstle làm hạt nhân hỗ trợ, qua 7 năm làm đã hình thành được những vùng sản xuất nguyên liệu và người nông dân đã học được kỹ thuật canh tác làm sao để năng suất cao, làm sao cho môi trường tốt, làm sao cho hiệu quả cuối cùng cao nhất. “Nhà đầu tư hạt nhân Nestle cùng các doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt chức năng hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn quản trị, thu mua nông sản, tổ chức chế biến và phân phối chuỗi giá trị. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá đây là một trong những mô hình rất tốt và hướng tới sẽ mở” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với cây chè, Bộ trưởng đánh giá Unilever cũng là một trong những thành tố hạt nhân phối kết hợp rất tốt cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Như ở Tuyên Quang, mô hình hợp tác công – tư đã khẳng định hiệu quả kinh tế rõ nét, trụ cột thứ hai là môi trường, hầu hết quản trị về thuốc bảo vệ thực vật ở những khu vực này rất tốt, giảm đáng kể đến việc dùng hóa chất nhưng lại tăng được năng suất, hiệu quả. “Hiện nay, riêng mô hình đó, nông dân xin vào hợp tác, xin vào mô hình rất là đông”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.