Phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân
- Thứ bảy - 24/01/2015 03:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Danh hiệu cao quý nông thôn mới còn thể hiện quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ 2 địa phương nhằm mục tiêu: nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành để xây dựng địa phương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải và Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật cho biết đó là nhờ đã phát huy mạnh mẽ được vai trò của nhân dân.
Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải: Huy động hệ thống chính trị vào cuộc
Trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Thị ủy Long Khánh luôn bám theo chỉ đạo của Tỉnh ủy để xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân khi tham gia thực hiện chương trình, đặc biệt là coi trọng việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Thực hiện hiệu quả phương châm hành động của Đảng bộ thị xã (gồm 4 chữ đồng), đó là: đồng lòng, đồng thuận, đồng hành, đồng tiến, Long Khánh đã tập trung lãnh đạo làm tốt công tác huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho chương trình; tích cực vận động, khuyến khích nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phải chú trọng vận động nhân dân, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực xã hội, nội lực tại chỗ, phát huy sức dân để chăm lo lại cuộc sống của dân, nhằm thực hiện 4 xóa, đó là: xóa tâm lý trông chờ, ỷ lại cấp trên; xóa vườn tạp, độc canh; xóa hủ tục, tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội; xóa hộ nghèo, ấp nghèo, người nghèo, xóm nghèo.
Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật cho biết đa dạng hóa huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới được huyện thực hiện theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”. Qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã vận động được trên 15,9 ngàn lượt hộ dân hiến gần 776 ngàn m2 đất, đóng góp khoảng 172 ngàn lượt ngày công lao động với tổng giá trị 63,464 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, làm kênh mương nội đồng. |
Với chủ trương đúng đắn, với cách chỉ đạo sâu sát, với nội dung khái quát dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, đến nay 9/9 xã trên địa bàn TX.Long Khánh được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 5 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013 và 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014). Ngày 31-12-2014, Thủ tướng Chính phủ công nhận TX.Long Khánh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014.
Từ thực tiễn và những kết quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương, Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TX.Long Khánh thời gian qua, có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu. Đó là quyết đoán, quyết liệt (của người lãnh đạo, của tập thể về công tác tổ chức, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành công; Đồng bộ, thống nhất: người đứng đầu thể hiện đầy đủ trách nhiệm, tập trung chỉ đạo nhằm tạo được sự chuyển biến và đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, để không những cán bộ, đảng viên mà cả người dân cũng hiểu rõ, hiểu đầy đủ chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phù hợp thực tiễn: tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân; tổ chức đào tạo nghề; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ xã có đủ trình độ, năng lực, có trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy lợi thế: sức mạnh tổng hợp và huy động nội lực sức dân. Làm tốt công tác huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho chương trình; tích cực vận động nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật: Tuyên truyền tạo sự đồng thuận
Trên cơ sở nhận thức đúng và đầy đủ về chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Xuân Lộc luôn bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề cấp bách, then chốt để tạo bước đột phá. Đồng thời luôn quan tâm chỉ đạo phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nhất là trong áp dụng, nhân rộng các mô hình tiến bộ, có hiệu quả.
Già làng Thổ Đực (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đang trao đổi với TS. Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về cách làm bánh ống của đồng bào Chơro. |
Sau 5 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn của Xuân Lộc có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Các mục tiêu về chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện luôn đi đúng hướng, đạt kết quả khả quan, nhất là công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mà trọng tâm là hạ tầng giao thông nông thôn được huy động các nguồn lực để đầu tư đúng mức, đặc biệt đã tạo ra chất mới của một huyện miền núi; đã hình thành con người mới, diện mạo mới, sức sống mới và động lực mới, từng bước xóa dần khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Tránh đầu tư dàn trải Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải: “Việc triển khai xây dựng nông thôn mới phải có ý kiến tham gia góp ý của cộng đồng dân cư, sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân, thể hiện đóng góp bằng tiền, hiến đất, ngày công lao động, tài sản khác... Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cần tập trung, tránh dàn trải, lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để tập trung nhiều nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng nông thôn mới”. |
Thành quả trên là sự tổng hợp từ tiềm năng, lợi thế của địa phương cho đến sự đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới của nhân dân, của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Bởi, ngay từ những ngày đầu tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, huyện đã xác định: Khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới là nhận thức. Do đó, ngay sau khi có kế hoạch của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã tập trung xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức cơ sở Đảng tích cực triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện. Vấn đề trọng tâm của công tác tuyên truyền, vận động là phải làm sao cho họ hiểu đầy đủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà cụ thể là 19 tiêu chí với 54 chỉ tiêu đều liên quan đến chính mình, đến nhà mình, đến vườn tược, ruộng rẫy của mình, kể cả tài sản và tính mạng của mình để họ “đồng thuận, đồng hành, đồng tiến” trong xây dựng nông thôn mới.
Về phía hệ thống chính trị, điều quan trọng có tính quyết định đó là công tác quán triệt triển khai học tập gắn với trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu với phương châm hành động “cái gì có lợi cho dân cứ làm, cái gì có hại đến dân phải tránh”.
Kết quả của công tác tuyên truyền đã tạo ra “Trách nhiệm, đồng thuận, hành động” đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo: baodongnai.com.vn