Phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH

(Chinhphu.vn) – Năm 2017, mục tiêu đặt ra đối với ngành TN&MT là phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH; bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững và chủ động ứng phó với BĐKH.
Bộ trường Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định như vậy tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành TN&MT ngày 9/1.

Đóng góp lớn từ tài nguyên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2016 các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động của ngành TN&MT đã được cập nhật phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH. Nguồn lực tài nguyên cũng đã được phát huy cho phát triển KT-XH, trong đó riêng nguồn thu từ đất đai đóng góp 8,25% thu ngân sách Nhà nước và 10,46% thu ngân sách nội địa; thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản được các địa phương triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng đặc dụng, phòng hộ được kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, toàn ngành đã triển khai nhiều giải pháp để hoàn hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận (GCN). Đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 70% tổng diện tích tự nhiên, hoàn thành cấp GCN lần đầu đối với 95,2% tổng diện tích các loại đất cần cấp, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý, cập nhật, khai thác phục vụ yêu cầu quản lý, cải cách thủ tục hành chính.

Trong lĩnh vực khoáng sản, công tác điều tra cơ bản tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các loại khoáng sản có tiềm năng lớn, có vai trò trong phát triển KT-XH của đất nước. Có 41/63 tỉnh, thành phố đã lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; phê duyệt danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng như kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn để tổ chức đấu giá theo quy định.

Công tác môi trường cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, kiểm tra, hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đối với 395/439 cơ sở cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/QĐ-TTg; 167/435 cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường; xử lý kịp thời các điểm nóng môi trường; duy trì 7 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông và 5 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm. Duy trì hoạt động quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, hệ sinh thái từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, công bố kết quả cho nhân dân.

Nhìn thẳng vào những thách thức

Cùng với kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TN&MT, trong đó nổi lên một số vấn đề cụ thể.

Suy thoái tài nguyên, nhất là đất đai, nước, tài nguyên biển đang diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và hoạt động sản xuất, sinh hoạt thiếu bền vững. Tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ; sụt lún kết hợp với nước biển dâng làm ngập lụt ĐBSCL là rất đáng lo ngại. Đây sẽ là những nguy cơ rất lớn đối với phát triển KT-XH.

Một số lưu vực sông đã bị khai thác quá mức, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng cả về mức độ, quy mô. Rừng đầu nguồn bị suy giảm làm nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa. BĐKH và nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước. An ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển KT-XH của đất nước.

Ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Tình trạng bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái nhanh.

BĐKH diễn ra nhanh hơn so với dự báo, các hiện tượng thiên tai cực đoan có xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Ứng phó với BĐKH đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế. Thỏa thuận toàn cầu mới về BĐKH mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo nhiều thách thức trong việc chuyển đổi công nghệ để cắt giảm phát thải theo cam kết.

Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT, nhất là trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo khảo sát của các tổ chức quốc tế còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Ở một số địa phương việc tổ chức thực thi chính sách còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, buông lỏng dẫn đến sai phạm.

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, ngành TN&MT đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 và bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả.

Trong lĩnh vực đất đai, nghiên cứu triển khai các chính sách thúc đẩy, khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất. Triển khai thực hiện tốt các đề án: Tích tụ đất đai trong nông nghiệp; thí điểm thế chấp tài sản gắn với quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cần nguồn vốn lớn; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp GCN đối với các nông, lâm trường...

Tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc cấp GCN lần đầu và cơ bản hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đối với đất có nguồn gốc của nông, lâm trường.

Ở lĩnh vực tài nguyên nước, xây dựng cơ chế giám sát thường xuyên, liên tục các hoạt động khai thác, sử dựng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc áp dụng công nghệ tự động, trực tuyến, cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục; trước hết tập trung đối với hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước và việc vận hành, điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, nhất là các hồ có khả năng điều tiết dòng chảy trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng.

Trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Khoáng sản để tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm công tác điều tra cơ bản.

Đặc biệt, cần nghiên cứu các giải pháp công nghệ để khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để giao các địa phương quản lý.

Một lĩnh vực trọng tâm khác là cần triển khai lập quy hoạch môi trường quốc gia và các vùng. Ban hành bộ tiêu chí và thực hiện việc xếp hạng chất lượng bảo vệ môi trường đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, đền bù thiệt hại về môi trường; cơ chế huy động nguồn lực đầu tư bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí đầu tư bảo vệ môi trường”.

Thu Cúc
http://baochinhphu.vn/