Phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 17/11/2017 02:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối với xã nghèo như Phú Cường (Đại Từ) thì xây dựng nông thôn mới là việc làm hết sức gian nan. Nhưng với cách làm: Lấy nhân dân làm trung tâm, lấy việc nâng cao đời sống của bà con làm thước đo trong thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Phú Cường đã khơi dậy được sức mạnh từ chính trong nội lực nhân dân để từng bước hoàn thành các tiêu chí.
Phú Cường là xã miền núi của huyện Đại Từ. Xã có trên 1.200 hộ, chia làm 10 xóm với 5 dân tộc anh em cùng chung sống, đó là: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí. Trước đây, do ruộng ít, lại không tập trung, chủ yếu là các diện tích chè trung du già cỗi, không được đầu tư chăm sóc, nên Phú Cường luôn là một trong những xã nghèo nhất huyện. Đời sống người dân nghèo nàn, giao thông đi lại khó khăn, hầu hết là đường đất, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt, trời nắng thì bụi bẩn, nên việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở thời điểm này là hết sức xa vời.
Ông Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mục tiêu là sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2017, nhưng chỉ mới đầu năm thôi, nhìn khối lượng công việc ngồn ngộn, tôi còn nghĩ sẽ khó hoàn thành. Bởi thời điểm này, xã mới đạt được 13/19 tiêu chí, còn lại 6 tiêu chí thì đều là những tiêu chí khó, đó là: thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội và giao thông. Trong đó, khó nhất vẫn là hộ nghèo và cơ sở hạ tầng giao thông. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết dành sự quyết tâm cao nhất để từng bước thực hiện.
Với suy nghĩ, quan trọng nhất là phải có được sự đồng thuận của toàn dân, trong những năm gần đây, xã đã tăng cường vận động nhân dân đầu tư sản xuất để nâng cao đời sống, khi có đời sống ổn định, kinh tế phát triển thì mới có thể làm được các việc khác. Với hơn 90% số hộ có thu nhập từ chè, cây chè là cây trồng mũi nhọn, chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương, bà con trong xã tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống chè từ chè trung du sang trồng các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao. Những năm gần đây, việc đưa các giống chè mới vào trồng mới và trồng thay thế đã trở thành làn sóng rộng khắp toàn xã, chỉ tính trong năm 2016, toàn xã chuyển đổi được 25ha, chủ yếu là các giống: LDP1, Phúc Vân Tiên, TRI 777…
Năm 2017, xã vừa mới hoàn thành trồng thay thế được gần 30ha chè giống mới, đạt gần 200% so với kế hoạch. Bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã đã thực hiện chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Đến nay, xã có 2 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn, từng bước tạo dựng thương hiệu chè Phú Cường, từ đó giá bán sản phẩm chè địa phương ngày càng tăng cao. Hiện nay, toàn xã có 270ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 240ha, giá bán chè khô trung bình từ 100-200 nghìn đồng/kg. Với diện tích này, cây chè đã phủ khắp các diện tích đồi, bãi và xã đang tiếp tục mở rộng các diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng chè, sức cạnh tranh và giá bán sản phẩm. Với giá trị kinh tế mà cây chè mang lại, chè đã thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và dần dần trở thành cây làm giàu cho người dân Phú Cường. Nhờ đầu tư thâm canh tốt cây chè, đời sống của bà con ở đây đã từng bước được nâng lên, mỗi năm xã giảm được 5-8% hộ nghèo, kết thúc năm 2016, số hộ nghèo của xã còn trên 17%, hiện nay, xã đang rà soát lại và bình xét hộ nghèo của năm 2017, dự kiến sẽ chỉ còn dưới 12%. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, trong đó chủ yếu là thu từ cây chè.
Kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, người dân có điều kiện để quan tâm, đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương… Chưa bao giờ, khối lượng xây dựng ở Phú Cường lại nhiều như thời gian gần đây. Việc thi đua làm đường, làm nhà văn hóa đã trở thành phong trào rộng khắp các xóm trên địa bàn xã. Với khí thế thi đua sôi nổi, hàng loạt các công trình phúc lợi công cộng được xây dựng. Chỉ trong năm 2017, 3 tuyến đường liên xã nối các xã: Phúc Cường, Minh Tiến, Phú Thịnh với tổng chiều dài trên 6km đã được hoàn thành, cùng với đó, 41 tuyến đường liên xóm, trục xóm, ngõ xóm cũng đã được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn mới.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng xóm Văn Cường II cho biết: Trước đây, xóm chẳng có mét đường bê tông nào, người dân đi lại rất vất vả, tư thương vào thu mua chè cũng e ngại lắm, nhất là trời mưa, người dân phải mang chè đi bán. Nhưng giờ thì khác rồi, bước chân ra là có đường bê tông sạch đẹp, trời mưa hay nắng cũng không gây trở ngại cho việc đi lại của người dân, bà con phấn khởi lắm. Tất cả bà con đều hiểu rõ, khi giao thông đi lại thuận tiện, sẽ tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, phục vụ cho chính nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, thế nên ai nấy cũng đều nhiệt tình ủng hộ, chẳng tính công, tính của, đường qua nhà nào nhà ấy sẵn sàng hiến đất, tài sản trên đất.
Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, hàng trăm hộ dân xã Phú Cường đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để làm đường, làm nhà văn hóa. Qua đó, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2017, tổng các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã ước tính hơn 60 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã dành sự quan tâm đầu tư nhiều công trình, đơn cử như nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học của Trường mầm non. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng vừa được đưa vào sử dụng, tăng cường thêm về cơ sở vật chất, đảm bảo các yêu cầu dạy và học của thầy, trò nhà trường. Từ sự đầu tư này, kết hợp với nguồn lực trong nhân dân tạo cho bộ mặt Phú Cường một sự thay đổi rõ rệt. Đến nay, cơ bản Phú Cường đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.