Phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới ở Hòa Bình

Hòa Bình là tỉnh miền núi, thu nhập của phần lớn người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng lại lớn, khả năng bố trí vốn từ ngân sách còn hạn chế, việc huy động đóng góp từ các nguồn lực rất khó khăn.
Người dân xã Sào Báy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đóng góp ngày công xây dựng kênh mương nội đồng. Ảnh: ÐINH THẮNG

Xác định được những khó khăn đó, ngay khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch theo lộ trình, dựa vào nội lực và nguồn vốn phân bổ của Trung ương, không chủ quan duy ý chí. Ngoài việc lồng ghép các dự án, tỉnh chỉ đạo các huyện huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình tuyên truyền, vận động là yếu tố quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân. Xã nào cũng có những tấm gương điển hình tự nguyện góp công sức, hiến một phần đất mà không tính thiệt hơn. Ðến nay, tỉnh Hòa Bình có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đạt 22,6 triệu đồng/người/năm. Có 93 trong số 191 xã đạt tiêu chí về thu nhập, trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới có mức thu nhập cao hơn quy định từ 5 đến 10 triệu đồng. Năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hòa Bình đang tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã; tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tất cả các thôn, bản khó khăn nhất có đường giao thông được cứng hóa, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản cho người nghèo.

* Vĩnh Long tạo điều kiện để phụ nữ tham gia công tác quản lý

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp để các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ có điều kiện đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo, cùng với Nhà nước quản lý và điều hành xã hội. Toàn tỉnh hiện có 19,3% số đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nữ; 12,5% số lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh; 6,25% số lãnh đạo cấp huyện là nữ...

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh còn chủ động, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội và các chương trình liên tịch với các ngành trên nhiều lĩnh vực.

Mới đây, tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ; nâng cao chất lượng thông tin, truyền thông về bình đẳng giới trong các nhóm xã hội nhằm từng bước khắc phục những tư tưởng định kiến giới, cản trở các cơ hội phát triển của phụ nữ. Các cấp, ngành của tỉnh đẩy mạnh hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ; mạnh dạn bố trí cán bộ nữ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức vào những vị trí lãnh đạo và tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống của phụ nữ thời kỳ mới như nuôi dạy con tốt, tham gia "khởi nghiệp" bằng việc học nghề, tạo việc làm, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống bản thân, gia đình và cộng đồng. Tỉnh cũng triển khai kế hoạch đánh giá toàn diện thực trạng đội ngũ cán bộ nữ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ theo từng lĩnh vực; tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát huy sức lực, trí tuệ, tài năng tham gia vào các lĩnh vực đời sống xã hội.

Theo nhandan.com.vn