Phát huy tinh thần Toàn quốc kháng chiến, tiếp tục huy động sức mạnh toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Thứ ba - 20/12/2016 03:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong tình thế vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo vận dụng những sách lược, chiến lược để phân hóa, cô lập kẻ thù. Kết quả của sách lược “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã đẩy được quân Tưởng về nước, gạt quân Anh, quân Nhật ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cho đến cuối năm 1946, trên đất nước Việt Nam chỉ còn lại quân Pháp đứng chân theo các hiệp ước mà ta đã ký với Pháp (Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9).
Lực lượng vũ trang thủ đô anh dũng chiến đấu những ngày toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu. |
Tuy nhiên với dã tâm quyết cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã ngang nhiên vi phạm các điều khoản trong các văn bản đã ký kết, đòi tước khí giới của bộ đội và tự vệ, đòi giành quyền giữ gìn trật tự trong các đô thị... Manh động hơn, quân Pháp còn nổ súng, tàn sát đồng bào ta ở Hải Phòng, Hà Nội, gây nên sự căm phẫn tột độ trong nhân dân ta. Sau các tối hậu thư của quân Pháp, nhận thấy không thể nhân nhượng hơn được nữa, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", quyết tâm đánh Pháp tới cùng với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời hiệu triệu của Bác đã làm rung động con tim của triệu triệu người dân Việt Nam, không kể trẻ già, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đảng phái đều nhất tề đứng lên chống quân xâm lược. Với ý chí ấy, tinh thần ấy, lại được Đảng soi đường, chỉ lối nên sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ nền tảng đó, hơn 20 năm sau, quân và dân cả nước tiếp tục giành thắng lợi vẻ vang trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt Nam và trên bán đảo Đông Dương, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng với muôn vàn hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng vĩ đại. Cũng trên nền tảng đó, dân tộc Việt Nam đã vững vàng trước mọi sóng gió, tiếp tục giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, thêm một lần khẳng định tinh thần và ý chí khát khao độc lập tự do của dân tộc Việt Nam là không gì có thể ngăn cản và khuất phục được. Chúng ta lật giở từng trang sử hào hùng của dân tộc, lại thấy ngời lên tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc trong mỗi con tim Việt Nam. Tinh thần đó được hình thành, nuôi dưỡng từ khi Đảng ra đời, được hiển hiện qua những thăng trầm của lịch sử, kết tinh lại thành ý chí và bản lĩnh Việt Nam.
Ngày nay, cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đầy cam go, thách thức đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Vì thế bài học về độc lập, tự chủ, bài học về tập hợp sức mạnh toàn dân từ Toàn quốc kháng chiến cần tiếp tục được phát huy trên tất cả các lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại... Trong đó, việc tập hợp phát huy sức mạnh toàn dân vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là bài học có tính cốt yếu trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Muốn bài học đó trở thành hiện thực thì cần phải tạo dựng, vun đắp tinh thần đoàn kết, cố kết dân tộc. Sự đoàn kết nhất trí phải được xây dựng từ trong Đảng cho đến toàn dân, làm cho “trăm nhà như một”, đồng sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, trong giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên đã được Đảng ta chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (các khóa XI và XII) cần phải được khắc phục triệt để. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải quyết tâm làm cho Đảng ta luôn trong sạch, thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; đội ngũ đảng viên thực sự là đội ngũ tiên phong, xứng đáng với vai trò là hạt nhân nòng cốt tập hợp sức mạnh của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Cùng với vấn đề trên, phải tăng cường tính hiệu quả trong công tác đối ngoại theo nguyên tắc độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị với tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước", bảo đảm luôn giữ cho “trong ấm ngoài êm” tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.
Chúng ta cũng phải không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tạo nền tảng, vị thế và tiềm lực cho đất nước trước mọi tình huống. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng phải được triển khai khẩn trương bằng những kế hoạch, đề án khoa học, sát với thực tiễn, bảo đảm cho mục tiêu của nghị quyết trở thành hiện thực. Phát triển kinh tế, xã hội đồng thời phải gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện để “khoan thư sức dân”, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân để hướng sức dân vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của đất nước, theo từng giai đoạn cách mạng. Đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội, phải đẩy mạnh thực hành tiết kiệm từ Trung ương tới địa phương, tăng cường chống tham nhũng, lãng phí, không ngừng tạo cơ sở vật chất để đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang... chính là tạo ra thế và lực để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Từ Toàn quốc kháng chiến và 30 năm chiến tranh giải phóng, chúng ta đã có thêm nhiều bài học giá trị trong củng cố quốc phòng, tạo thế răn đe đối với các thế lực thù địch. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, gắn kết chặt chẽ với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Trong đó tập trung tạo dựng các tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, khoa học kỹ thuật trong từng khu vực phòng thủ, bảo đảm cho mỗi tỉnh, thành phố, mỗi quận, huyện là một khu vực phòng thủ vững chắc, cả nước là một thế trận liên hoàn, không sức mạnh nào có thể chia cắt, phá vỡ được. Hạt nhân của thế trận ấy là LLVT, bao gồm Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần được đầu tư, xây dựng theo đúng hướng: Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên một số đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ trong LLVT phải được giáo dục, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có năng lực, trình độ chiến đấu cao, đủ sức đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi điều kiện, tình huống.
Sự kiện Toàn quốc kháng chiến tuy đã lùi vào lịch sử, nhưng đó là hiện thực của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, biểu hiện của ý chí độc lập tự do, của lòng tự tôn dân tộc trước họa xâm lăng. Ý chí ấy cần tiếp tục được hun đúc trong các thế hệ người Việt Nam cả hôm nay và mai sau, đó là bệ phóng để chúng ta vững vàng bước tiếp trên con đường sánh vai với các cường quốc năm châu.
Theo qdnd.vn