Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã triển khai được 3 năm, bước đầu đạt nhiều thành tựu, thu hút được sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai, đặt ra vấn đề, làm thế nào để hạn chế tối đa tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước trong xây dựng NTM ở nhiều địa phương.

 
Thi công giao thông nội đồng ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt
Thi công giao thông nội đồng ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều cách làm sáng tạo

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong xây dựng NTM, phát triển hạ tầng xã hội được coi là khâu đột phá và có sự chuyển biến rõ. Ước tính, cả nước đã đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng cho hơn 9.000 hạng mục công trình, trong đó, đã nâng cấp, mở mới 38.000km giao thông; 15.000km kênh mương… Nhiều tỉnh đã có chính sách, giải pháp sáng tạo như hỗ trợ vật liệu xây dựng giao cho cộng đồng tự triển khai như: Tuyên Quang làm 1.074km giao thông nông thôn trong hai năm, Nhà nước chỉ hỗ trợ 40% kinh phí, còn lại do nhân dân đóng góp. Hay tại tỉnh Hà Nam, với 1.656km giao thông nông thôn, tỉnh hỗ trợ 300 nghìn tấn xi măng, còn lại người dân và cộng đồng đóng góp, tương đương 68,5% giá trị công trình.

Tại Hà Nội, huyện Đan Phượng cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí NTM. Tính riêng 10 tháng năm 2013, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng 116 tuyến giao thông nội đồng với chiều dài hơn 71km, trị giá hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện đã vận động các doanh nghiệp làm hạ tầng ủng hộ phong trào chung sức xây dựng NTM không lấy lợi nhuận, nên kinh phí đầu tư chỉ hết 31 tỷ đồng. Cũng nhờ cách làm này mà chỉ trong hai năm gần đây, huyện đã hoàn thành hơn 2.000 tuyến giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, với kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước chỉ phải chi 50%. Phần còn lại là đóng góp tự nguyện của nhân dân và doanh nghiệp, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong đề án xây dựng NTM của các xã.

Khắc phục tâm lý ỷ lại

Sau 5 năm xây dựng NTM ở các xã điểm, điều dễ dàng nhìn thấy là các công trình kết cấu hạ tầng, như đường sá, kênh mương, nhà văn hóa, chợ, trường học… đã được xây dựng tương đối khang trang. Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến cho rằng, hạn chế lớn nhất vẫn là công tác dạy nghề còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp; chưa thu hút được doanh nghiệp, liên kết sản xuất còn hạn chế, chưa hiệu quả, nhiều mô hình thành công, nhưng chậm được tổng kết, rút kinh nghiệm. Việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường ở nông thôn vẫn gặp nhiều trở ngại. "Theo thống kê thì số xã đạt chuẩn về y tế của cả nước là rất thấp, chỉ đạt khoảng 15-20%; 20% số xã có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao; xử lý chất thải công nghiệp, phế thải, rác thải, tiêu thoát nước nông thôn, quy hoạch và quản lý nghĩa trang chưa có chuyển biến tích cực, môi trường nông thôn vẫn là vấn đề bức xúc chậm được giải quyết" - ông Tiến cho biết thêm. 

PGS-TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ, trên lý thuyết, việc xây dựng NTM chủ yếu dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn, ngân sách nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, vì đó là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân và nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Song, trên thực tế, việc xây dựng NTM ở các xã điểm chủ yếu dựa vào nguồn lực từ bên ngoài cộng đồng dân cư nông thôn, trước hết là từ ngân sách nhà nước các cấp. Người dân nông thôn vẫn trông chờ vào Nhà nước cấp phát kinh phí; cán bộ trực tiếp thực hiện xây dựng NTM cũng thích dựa vào nguồn lực từ Nhà nước cấp trên, nóng vội, chạy theo thành tích, muốn sớm đạt danh hiệu xã NTM. 

Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của xây dựng NTM là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất và tinh thần dựa trên sự thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử của họ trong sản xuất, đời sống và trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, triển khai xây dựng NTM cần phải nâng cao vị thế, vai trò chủ lực của nông dân, cần thay đổi tư duy cũ, kêu gọi Nhà nước và nhân dân cùng làm bằng chính sách kích cầu nông thôn, tức là mạnh dạn đưa kinh phí về nông thôn, xây dựng cấu trúc hạ tầng cần thiết cho vùng nguyên liệu được phát triển.
 
TS Đào Thế Anh, Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam: Nhà nước cần có chính sách phát triển nông thôn một cách toàn diện để nâng cao đời sống cho nông dân. Việc đầu tư không dừng lại ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn phát triển cả các hoạt động phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tại nông thôn. Trong đó, phát triển các cụm nông nghiệp, công nghiệp, hình thành các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, đồng thời đào tạo, nâng cao năng lực cho nông dân để họ ở lại làm việc và làm giàu ngay tại quê hương.