Phát huy vai trò chủ thể của nông dân xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân xây dựng nông thôn mới
Trong 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam tham gia một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Duy Lượng (người đứng giữa) tham quan mô hình sản xuất tốt của nông dân tại Hòa Bình.
Nhân dịp 84 năm Ngày thành lập Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2014), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam về vai trò của Hội cũng như những nhiệm vụ sắp tới.

Xin ông cho biết, hội viên Hội Nông dân Việt Nam hiện tham gia vào việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển "tam nông" cũng như tham gia giám sát, phản biện xã hội như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Lượng: Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nông dân luôn luôn tin tưởng vào chủ trương chính sách đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Không những vậy, “trong cái khó ló cái khôn”, đã có nhiều nông dân, ngoài việc cần cù lao động còn sáng tạo được những nông sản có giá trị cao phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt về chương trình xây dựng nông thôn mới, trong số 19 tiêu chí thì Hội Nông dân Việt Nam tham gia một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, nông dân cả nước hiểu rõ lợi ích của chương trình và tự mình đóng góp ngày công, tiền của, hiến tặng đất đai để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nông dân cũng tham gia xây dựng và góp ý những chủ trương chính sách của Nhà nước. Ví dụ Chương trình 30a hỗ trợ các huyện nghèo, Quyết định hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn sản xuất nông nghiệp, Nghị định 41 của Chính phủ về hỗ trợ tín dụng cho nông dân.

Mới đây nhất, cùng với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Hội Nông dân Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội trong lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp. Với vai trò này, các cấp hội nông dân sẽ xem xét, phát hiện những bất cập, từ đó đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ sửa đổi chính sách chưa phù hợp với thực tế.

Xin ông cho biết cụ thể hơn những hoạt động của các cấp hội ở địa phương hướng đến kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Trung ương Hội Nông dân Việt Nam?

Ông Nguyễn Duy Lượng: Hướng về ngày kỷ niệm thành lập Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các cấp hội nông dân trên cả nước đã và đang tổ chức những phong trào thi đua yêu nước mà trực tiếp là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, gắn với 2 phong trào lớn là nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững hằng năm có khoảng 8,2 triệu nông dân đăng ký và theo bình chọn của các cấp hội, có hơn 4 triệu nông dân đạt danh hiệu này.

Đến nay, các Tỉnh hội, Thành hội đang tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011-2014 nhằm tôn vinh những nông dân tiêu biểu có đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn.

Trước sự chuyển dịch cơ cấu cư dân ở khu vực nông thôn diễn ra khá nhanh, Hội Nông dân Việt Nam đã tính đến phương thức mới nào để tập hợp nông dân, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong xu thế mới hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Lượng: Trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập, hằng năm có khoảng 75.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất đô thị, khu công nghiệp, làm thủy điện, sân golf… Đây cũng là một trong những băn khoăn của nông dân vì điều này có thể khiến tình hình việc làm của nông dân không ổn định, cuộc sống bị thay đổi.

Vì vậy, Hội Nông dân Việt Nam đã có kế hoạch và phương thức mới tổ chức tập hợp nông dân ở các cấp hội và đẩy mạnh các phong trào của nông dân ở các địa phương. Cụ thể là tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất, tổ chức dạy nghề để khi không làm nông nghiệp nữa, người nông dân có thể chuyển đổi với các nghề “phi nông nghiệp” để có thể "ly nông nhưng không ly hương" và có nghề khác để đảm bảo cuộc sống và thu nhập. Có những vùng trước đây 1ha chỉ thu được 10 triệu đến 20 triệu đồng, nhưng đến nay đã thu hàng trăm triệu đồng.

Trong thực tế lao động sản xuất, đối với hội viên và nông dân thì tiêu chí thu nhập là hết sức quan trọng. Vì vậy, Hội đã và đang tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, đã mời các chuyên gia hướng dẫn và tư vấn cho nông dân chính sách mới, kỹ thuật mới để giúp nông dân tiếp cận cách sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, qua đó, thu được giá trị cao nhất để đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Xin cảm ơn ông!
 

Theo baodientu.chinhphu.vn