Phát huy vai trò của nhân dân xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhận thức của cán bộ và người dân đã có nhiều thay đổi, xuất hiện những cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.

Tại nhiều vùng nông thôn, cán bộ và người dân đã đồng thuận xác định được ý nghĩa thiết thực của xây dựng NTM là phục vụ người dân cho nên đã phát huy được quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân và bước đầu đạt kết quả tốt. Ðến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới cấp xã, đa số các xã đã hoàn thành phê duyệt đề án; nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư theo tiêu chí NTM được hoàn thành đưa vào sử dụng như giao thông, thủy lợi, trường học... phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Tuy vậy, bên cạnh các địa phương có cách làm tốt, biết vận dụng sáng tạo hoàn cảnh thực tế, vẫn còn có những nơi chưa phát huy hết nội lực toàn dân, còn trông chờ, thậm chí ỷ lại, coi xây dựng NTM là chủ trương của Nhà nước cho nên Nhà nước sẽ có trách nhiệm “rót” kinh phí để địa phương thực hiện. Thực tế cũng cho thấy, nhận thức của các ngành, các cấp ở một số địa phương về vấn đề này chưa thật đầy đủ, chưa đúng với chủ trương; khái niệm, nội hàm NTM còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau, không chỉ với cán bộ các cấp, người dân mà cả các đơn vị triển khai; thiếu lực lượng cán bộ xây dựng nông thôn theo phương pháp tiếp cận mới cho nên còn lúng túng trong thực hiện, nhất là cơ chế quản lý đầu tư, tài chính. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; chưa giúp cho người dân hiểu được việc xây dựng NTM là cho cộng đồng dân cư tại chỗ, chính người dân là chủ thể và có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM. Ðiều quan trọng nữa là còn không ít các địa phương chưa chú ý đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở. Về công tác chỉ đạo cũng đã bộc lộ một số tồn tại. Ðó là, một số văn bản hướng dẫn triển khai còn chậm; sự quan tâm và tập trung chỉ đạo ở một số địa phương còn hạn chế; chất lượng công tác quy hoạch còn bất cập, trong đó tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa còn chưa được chú trọng đúng mức; công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu nội dung xây dựng NTM còn chậm, thiếu chiều sâu, chưa phổ biến, nhân rộng được nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay; huy động nguồn lực cho chương trình còn hạn chế, nhất là về lồng ghép chương trình, huy động nguồn vốn...

Ðể thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới, thời gian tới các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo về xây dựng NTM trên tinh thần thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, không nóng vội. Mục tiêu xây dựng NTM là phục vụ nhân dân, là sự nghiệp của dân, do dân làm, vì vậy cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Các bộ, ngành cần sớm hoàn thành các thủ tục để ban hành các văn bản; hướng dẫn thực hiện thiết thực, hiệu quả các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng NTM. Nếu có cơ chế, chính sách đúng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, được người dân tích cực, tự nguyện đóng góp công sức, nguồn lực để triển khai thực hiện.

 Vũ Thành
Theo nhandan.org.vn