Phát triển HTX nông nghiệp gắn liền ứng dụng CNC

Theo thống kê, cả nước hiện có 11.668 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 193 HTX bước đầu ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất (tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 1%). Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của các HTX nông nghiệp CNC đang là bài toán cấp thiết cần có lời giải trong việc đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh gắn liền với ứng dụng CNC.

Theo số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác (KTHT) và Phát triển nông thôn (PTNT), sau 5 năm thực hiện Luật HTX 2012, tình hình phát triển HTX nông nghiệp trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, số HTX nông nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng.

Năm 2017, có 1.100 HTX mới thành lập, hết quý I/2018, cả nước có thêm 500 HTX. Với tốc độ này, dự báo đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 1.800 - 2.000 HTX được thành lập.

Vai trò kiến tạo của Chính phủ

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình HTX có vai trò hết sức quan trọng. Thành phần kinh tế này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn từng bước làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mà toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến.

Tuy nhiên, việc phát triển HTX nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Số HTX yếu kém đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể còn nhiều. Số HTX nông nghiệp thành lập mới có tăng lên nhưng không nhiều và đặc biệt số lượng HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả thấp chiếm tỷ lệ lớn (62%).

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 mà Bộ NN&PTNT trình lên.

Theo ông Trần Thành Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc ứng dụng nông nghiệp CNC sẽ giúp cho các HTX nông nghiệp tăng năng suất, giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và cũng là đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu. Mục tiêu đến 2020, phấn đấu có 1.500 HTX ứng dụng CNC trong số 15.000 HTX hoạt động.

Về cơ chế hỗ trợ, Bộ NN&PTNT sẽ phân loại, bố trí vốn hỗ trợ HTX tập trung cho 1.500 HTX, ký kết với các ngân hàng trong hỗ trợ tín dụng cho HTX, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam ưu tiên các nguồn vốn để hỗ trợ HTX nông nghiệp CNC... nhằm đẩy mạnh và bảo đảm hiệu quả của HTX ứng dụng CNC.

Theo đánh giá của ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục KTHT&PTNT (Bộ NN&PTNT), đây là đề án quan trọng và hết sức cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ HTX khá, giỏi, gắn với nâng cao thu nhập của HTX và thành viên, góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM.

Mục tiêu của đề án là duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 HTX nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là hiệu quả trong năm 2017. Vì vậy, thời gian tới đây, cần đẩy mạnh ứng dụng CNC để có trên 1.500 HTX ứng dụng CNC.

htx-nong-nghiep-JPG-7808-1530631315.jpg

Phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng CNC là đích cần hướng đến cho các HTX nông nghiệp hiện nay

Gỡ nút thắt về vốn

Cũng theo ông Trung, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp yếu kém để phấn đấu có trên 5.400 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trong tổng số 7.200 HTX nông nghiệp yếu kém hiện nay là hết sức cần thiết, nhất là việc thành lập và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 HTX làm ăn hiệu quả, cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc lớn nhất là vốn, để HTX tiếp cận, ứng dụng CNC vào sản xuất.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 HTX làm ăn hiệu quả, phần đông đại diện của các HTX nông nghiệp trên cả nước đều có chung quan điểm là cần tập trung tháo gỡ vốn và CNC.

Trên cơ sở đó, với những rào cản như việc không có trụ sở, tài sản, đất đai; không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng dẫn đến hiệu quả hoạt động của các HTX còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động các nguồn lực và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ HTX phát triển.

Đánh giá về vấn đề này, Ts. Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục KTHT&PTNT, cho biết trong giai đoạn 4 năm (2012 - 2016), trên cả nước đã có 2.432 lượt HTX nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của địa phương với số tiền 169,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Quỹ chưa thực hiện được chức năng bảo lãnh cho HTX vay vốn, nên số HTX tiếp cận hỗ trợ thông qua quỹ chưa nhiều, dẫn đến hiệu quả còn hạn chế.

Bởi vậy, theo Ts. Lê Đức Thịnh, cần huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho các HTX nông nghiệp. Theo tính toán sơ bộ, để phát triển 15.000 HTX hoạt động hiệu quả cần phải có khoảng 21.700 tỷ đồng (bình quân mỗi HTX khoảng 1,5 tỷ đồng).

Kinh phí được huy động từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách khoảng 4.550 tỷ đồng, nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực khoảng 400 tỷ đồng, nguồn vốn Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế và phòng chống giảm nhẹ thiên tai khoảng 550 tỷ đồng và các nguồn vốn khác.

Việc hỗ trợ các HTX tiếp cận CNC cũng là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu cần thực hiện. Theo thống kê từ Cục KTHT&PTNT, hiện nay, số lượng các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC mới chỉ chiếm 1%. Vì vậy, để đạt mục tiêu 1.500 HTX ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 (nâng tỷ lệ lên 10%) cần phải tập trung ưu tiên lựa chọn những HTX có thể áp dụng được CNC để có những chính sách ưu tiên.

Rõ ràng thời gian tới, các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp, còn nhiều việc phải làm trong việc tự nâng cao năng lực quản trị, thực hiện nghiêm các quy định về tài chính, các phương án vay vốn đảm bảo khả thi. Việc phát triển các HTX cần theo lộ trình cụ thể, bảo đảm đúng bản chất, hoạt động hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa tình trạng phát triển ồ ạt.

Nguyễn Hiếu/http://www.thoibaokinhdoanh.vn