Phát triển các công trình nước sạch cần gắn với cộng đồng
- Thứ năm - 24/07/2014 04:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh VGP/Lê Tuấn |
Báo cáo của Bộ cho thấy, trong năm 2014 các mục tiêu chính của Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (2012-2015) cơ bản đã tiến sát đích. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84%, trong đó 42% dùng nước quy chuẩn 02-BYT, 62,5% hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90% trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại khả năng mục tiêu cấp nước và vệ sinh trường học và số dân được cấp nước đạt quy chuẩn 02-BYT khó đạt được. Con số hơn 15.000 công trình cấp nước tập trung đến nay cũng có mức độ bền vững khác nhau, nhất là ở phía miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có tỷ lệ công trình hoạt động kém và không hoạt động cao, tỷ lệ người dân được tiếp cận các công trình ở mức thấp.
Tại hội nghị, mô hình của các tỉnh Thái Bình, Hải Dương đã được nêu lên như các điển hình làm tốt Chương trình này.
Tại Thái Bình, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường. Nước sạch là tiêu chí trong xây dựng NTM cùng với việc quy hoạch lại toàn bộ hệ thống công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã có cơ chế trong việc giải phóng mặt bằng giúp các dự án nước sạch sớm triển khai.
Cùng với đó, tỉnh ra cơ chế với các công trình nước sạch: Cứ công suất 1m3 nước hỗ trợ 3 triệu đồng, nâng cấp thì 2 triệu đồng/m3. Hỗ trợ 17,5%, còn lại là các doanh nghiệp đăng ký đầu tư.
Sau 2 năm những cơ chế đặc thù của Thái Bình ra đời, doanh nghiệp đã vào cuộc. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng vẫn còn khó khăn, nên tỉnh lại hỗ trợ 3-5 năm lãi suất vay ngân hàng, gặp mặt, tháo gỡ khó khăn… Kết quả là 100% xã có doanh nghiệp đăng ký cấp nước sạch cho nông dân. Thái Bình phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 100% xã, dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, công tác quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn chất lượng chưa cao do chưa chú trọng đến những tác động của biến đổi khí hậu gây nên ô nhiễm và suy thoái nguồn nước, ảnh hưởng đến hoạt động của công trình.
Nhiều nguyên nhân được nêu lên như việc chưa kịp thời của các văn bản quy phạm pháp luật và việc triển khai tại địa phương chưa được mạnh mẽ. Việc huy động các nguồn vốn cho chương trình cũng chưa được đảm bảo, đặc biệt là khu vực tư nhân cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tính đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình đến nay đạt khoảng 75,6%, đạt 20.844/27.600 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu vốn huy động có sự khác nhau giữa các nguồn. Nguồn ngân sách, viện trợ quốc tế, đóng góp người dân đều thấp hơn kế hoạch, trong khi vốn vay tín dụng lại cao hơn nhiều so dự kiến (53,5% so với 33% theo kế hoạch).
Để hoàn thành được mục tiêu đặt ra, Bộ NNPTNT đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ cả về việc rà soát và bổ sung thể chế chính sách, đến việc đẩy mạnh những dự án lớn cấp nước dựa trên kết quả đầu ra để tăng nhanh tỷ lệ người dân được cấp nước sạch.
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới và dành nhiều các dự án cho cộng đồng quản lý.
“Việc dựa vào cộng đồng, người dân địa phương rất quan trọng. Người dân cần được tham gia vào ngay từ khâu lập dự án, xây dựng và triển khai các công trình cấp nước sạch. Có như vậy, người dân mới thực sự coi những công trình cấp nước sạch là của mình, từ đó có ý thức tham gia, bảo vệ và duy tu các công trình này. Từ đó, hiệu quả của các công trình cấp nước sạch mới được phát huy một cách bền vững”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh tại hội nghị.
Theo Quyết định số 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đến năm 2015, phấn đấu 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn 02-BYT với số lượng từ 60 l/người/ngày; 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 45% hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, 100% trường học cơ sở, trạm y tế đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. |
Nguồn baodientu.chinhphu.vn