Phát triển cây cam trên vùng đất dốc ở huyện miền núi Phù Yên
- Chủ nhật - 25/11/2018 09:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vườn cam của gia đình chị Lê Thị Nga ở thôn Văn Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.
Hiện nay, huyện Phù Yên có trên 452 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trồng cam hơn 236 ha. Cây cam đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhiều hộ gia đình trồng cam đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến Phù Yên những ngày này sẽ được tận mắt chứng kiến các vườn cam đang vào vụ chín, sai trĩu quả, đặc biệt là cam đường canh và cam Vinh. Qua trao đổi với các hộ dân được biết, cách đây hơn 10 năm, những gia đình ở tỉnh Hưng Yên đến định cư tại xã Mường Thải (huyện Phù Yên) đã đưa các giống cây cam Vinh, cam đường canh lên trồng trên vùng đất dốc này. Cây cam trên vùng đất Mường Thải đã bén rễ xanh tươi, đơm hoa, kết trái ngọt, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây.
Là một trong những hộ trồng cam lâu năm ở xã Mường Thải, chị Lê Thị Nga, thôn Văn Yên bộc bạch, 6 – 7 năm trước, gia đình chị đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cam và quýt ngọt. Hiện nay, gia đình chị có hơn 700 gốc cam đường canh và cam Vinh trồng trên 1 ha đất dốc. Nhờ áp dụng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên sản phẩm cam của gia đình chị được các thương lái tìm đến tận vườn mua với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg cam đường canh và từ 15.000 – 20.000 đồng/kg cam Vinh. Bình quân hai năm gần đây, sản lượng cam của gia đình chị đạt từ 10 – 20 tấn, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Vườn cam sai trĩu quả ở thôn Văn Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN. |
Cũng ở thôn Văn Yên, chị Đỗ thị Tươi cho biết, gia đình chị hiện có hơn 1,5 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chăm sóc cây cam, gia đình chị luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật như không sử dụng các chất cấm, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học… nên sản phẩm cam đạt chất lượng cao và có vị thơm, ngọt đặc trưng mà ở các vùng khác không có.
Trong những năm qua, các loại cây ăn quả có múi, nhất là cây cam được huyện Phù Yên xác định là cây hàng hóa mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp và là một trong những sản phẩm chủ lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Chính vì vậy, huyện Phù Yên đã hỗ trợ các địa phương có điều kiện phát triển cây ăn quả có múi về giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, chất lượng cho người trồng cam.
Cùng với đó, huyện Phù Yên đã hỗ trợ xây dựng mối liên kết thị trường giữa các nhà đầu tư nông nghiệp với nông dân và các tổ chức nông dân sản xuất cam; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá rộng rãi sản phẩm cam, quýt; triển khai dán tem chứng nhận, chỉ dẫn địa lý trên quả cam, giúp người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng và không bị nhầm bởi các sản phẩm cam khác.
Tuy nhiên, trồng cây ăn quả có múi ở một số nơi chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung. Việc bảo quản sản phẩm quả có múi sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức và chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ dân trong sản xuất, thu hoạch, chế biến; đầu ra của sản phẩm chưa ổn định...
Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch vùng, huyện Phù Yên tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn các xã vùng Mường. Định hướng đến năm 2020, diện tích cây ăn quả trồng mới trên địa bàn huyện trồng mới gần 794ha; trong đó cây cam và quýt gần 432 ha.
Huyện Phù Yên cũng tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ tổ chức thành lập theo hình thức hợp tác xã, chi hội ngành nghề nhằm khuyến khích phát triển diện tích cây ăn quả có múi chất lượng cao trên địa bàn huyện; tuân thủ nghiêm nghặt về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cam Phù Yên”.
Theo Nguyễn Cườn/Báo Ảnh DT&MN.vn