Phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam theo hướng nào?

QĐND - Thời gian gần đây, một số nông dân đua nhau trồng cây mắc-ca (Macadamia) vì cho rằng loại cây này được mệnh danh là “cây tỷ đô”, “cây nữ hoàng”! Vậy liệu trồng cây mắc-ca có đúng như lời đồn thổi trong dư luận thời gian qua. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu và cung cấp tới bạn đọc một số thông tin liên quan đến cây trồng này.
Tiềm năng có nhưng khó cách làm!
Mắc-ca là loại cây ăn quả thân gỗ, thuộc nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, nhân dùng để chế biến thực phẩm hoặc các loại bánh, kẹo, mỹ phẩm… Cây mắc-ca ưa khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ trung bình hằng năm từ 20 đến 25 độ C, với lượng mưa hằng năm từ 1.500mm đến 2.500mm, độ cao so với mặt nước biển từ 300 đến 1.200m. Đất trồng cây mắc-ca tốt nhất là dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu, ẩm. Trồng mắc-ca ở những nơi sương muối, gió mạnh, mưa phùn vào thời điểm thụ phấn sẽ giảm khả năng đậu quả.
Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành nhập giống, khảo nghiệm giống ở nhiều địa phương như: Ba Vì (Hà Nội), Mai Sơn (Sơn La), Krông Năng (Đắc Lắc), Nam Đàn (Nghệ An), Đắc Hà (Kon Tum)… Kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm bước đầu cho thấy cây mắc-ca có khả năng sinh trưởng, phát triển tại các điểm trồng khảo nghiệm, tuy nhiên tỷ lệ đậu quả, sản lượng quả rất khác nhau.
Theo báo cáo của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có hơn 2.000ha cây mắc-ca được các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân trồng thử nghiệm, khảo nghiệm tại khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Kết quả cho thấy, mắc-ca thích hợp với khí hậu, đất đai và khả năng phát triển ở hai khu vực này.
 Tại Hội thảo “Định hướng phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam” do Bộ NN&PTNT phối hợp Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tổ chức mới đây, phần lớn các ý kiến của diễn giả đều khẳng định hiệu quả kinh tế từ cây mắc-ca, nhưng đồng thời cũng xác định rõ những thách thức của việc trồng cây này. Trong đó có đòi hỏi khắt khe các yêu cầu về giống, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm...
Giống mắc-ca được giới thiệu tại hội thảo.
Thận trọng để tránh rủi ro
Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Phó chủ tịch Thường trực Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Muốn phát triển mắc-ca, ngay từ đầu phải quan tâm đến chất lượng và rút kinh nghiệm các mặt hàng nông sản khác từng vướng vào thực cảnh “được mùa mất giá”, trong đó khâu giống mang ý nghĩa quyết định đối với sản xuất nông sản nói chung chứ không chỉ riêng cây mắc-ca. Cũng theo ông Ngọc, sản phẩm mắc-ca tiêu thụ ở đâu, hiệu quả kinh tế mang lại so với các cây trồng khác như thế nào, cần phải có thông tin nhiều chiều và chính xác làm cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước quy hoạch, đưa ra định hướng về loại cây trồng này. Việc trồng mắc-ca phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Ngoài thị trường sẵn có thì phải xây dựng, phát triển các thị trường mới...
Còn theo ông Giô-li-on Bơ-nét (Jolyon Burnett), Chủ tịch Hiệp hội mắc-ca Ô-xtrây-li-a: Bất cứ loại cây nào, phải luôn luôn bảo đảm tăng trưởng về sản lượng đi kèm với chất lượng, không thỏa hiệp chất lượng để theo đuổi thị trường. Diện tích mắc-ca trên thế giới ngày càng tăng nhanh do các quốc gia đang theo đuổi sản lượng mà bỏ qua chất lượng, trồng nhiều dòng không phù hợp, bỏ qua kiểm soát chất lượng cây giống khiến năng suất thấp. Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu giống cây mắc-ca để tránh lặp lại sai lầm như một số quốc gia khác. Chính phủ cần hỗ trợ để có những bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, cung cấp hướng dẫn cho người nông dân biết thế nào là cây tốt, bảo đảm mỗi cây khi trồng phải cho chất lượng, bởi cây mắc-ca tồn tại trong vòng 40 năm. "Chất lượng mắc-ca phụ thuộc vào chất lượng giống chứ không phải chỉ nhờ công nghệ chế biến”-ông J.Bơ-nét đưa ra lời khuyên.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Sau khi nghiên cứu và khảo nghiệm, bộ đã công nhận 10 giống bảo đảm chất lượng có thể trồng tại Việt Nam. Quan điểm của bộ là cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng việc phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam. Chú trọng những giải pháp cụ thể để ngành này phát triển bền vững, giúp người nông dân có thu nhập cao hơn, khắc phục tình trạng người trồng mắc-ca phải chịu rủi ro. Ngoài những điều kiện về sinh học, khí hậu thổ nhưỡng, thì điều rất quan trọng là phải nắm bắt được khả năng cung-cầu trên thị trường. Vì vậy, cần hướng dẫn nông dân trồng mắc-ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự, không triển khai trồng mắc-ca trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm và khẳng định hiệu quả. Trên cơ sở này, có những giải pháp đồng bộ từ khâu chế biến, liên kết, bảo quản đến hướng dẫn cho nông dân. Tránh việc nghiên cứu và tính toán không kỹ sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và những người trồng cây mắc-ca, nhất là không để lặp lại tình trạng cứ được mùa mất giá như một vài cây trồng khác. Mắc-ca là cây công nghiệp dài ngày, nếu như để xảy ra như vậy sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn và lâu dài cho nông dân.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước và các địa phương khảo nghiệm trồng mắc-ca. Trên cơ sở này, bộ sẽ cân nhắc việc ban hành quy hoạch về phát triển mắc-ca tại Việt Nam đến năm 2020 với diện tích khoảng 10 nghìn héc-ta.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM
theo qdnd.vn