Phát triển chăn nuôi 2020 - 2030 là ngành KD có điều kiện

Phát triển chăn nuôi 2020 - 2030 là ngành KD có điều kiện
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn ngành chăn nuôi trong năm 2020 đã có một chiến lược phát triển với những nội dung căn cơ hơn.
tr16.jpg
Dây chuyền giết mổ gia cầm khép kính của Công ty TNHH Thanh Bảo Hân. Ảnh: Thanh Tân.

Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 đặt ra mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 trung bình 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt trung bình 3 - 4%/năm. Định hướng đến năm 2030 phần lớn các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất theo mô hình trang trại và mô hình chăn nuôi chuyên nghiệp.

Chăn nuôi là ngành kinh doanh có điều kiện

Dịch tả lợn châu Phi đã đi qua cả 63 tỉnh thành, khoảng 6 triệu con lợn đã buộc phải tiêu huỷ. Các nguồn cung khác, trong đó có phát triển gia súc lớn, gia cầm, thuỷ sản không kịp để bù đắp thiếu hụt nguồn cung. Thế nhưng năm 2019 được coi là sóng gió chưa từng có của ngành chăn nuôi sắp đi qua, vậy trong năm 2020, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, sẽ như thế nào?.

Chia sẻ về chủ đề này, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, điểm mới đáng chú ý nhất trong chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới là tiếp cận sản xuất kinh doanh ngành chăn nuôi là một ngành kinh doanh có điều kiện.

“Điều kiện này phải thoả mãn vài yếu tố là môi trường, thị trường và đảm bảo nâng cao khả năng cạnh tranh. Cùng với đó còn yếu tố ngoài thân thiện với môi trường thì phải thân thiện với vật nuôi, tổ chức lại ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết... đảm bảo quản lý tốt được dịch bệnh... Chiến lược lần này căn cơ hơn, theo một chuỗi trật tự đảm bảo các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất chăn nuôi đều được chia sẻ lợi ích và trách nhiệm về mình”, ông Nguyễn Xuân Dương phân tích.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, phần lớn các nội dung định hướng phát triển và mục tiêu chính đạt yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng duy trì vị thế của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng ra xuất khẩu (XK). Chăn nuôi Việt Nam thật sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Cụ thể, năm 2018, sản lượng thịt các loại đạt hơn 5,3 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt hơn 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,2 triệu tấn, hơn 11,5 tỷ quả trứng…

Tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2019, định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong cơ cấu lương thực, Việt Nam dự kiến giảm thịt lợn xuống nhưng tỷ trọng thịt lợn trong rổ thực phẩm đến nay vẫn ở mức 70%. Do đó, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra, có thời điểm giá thịt lợn trở nên khủng hoảng khi thương lái “hét giá”.

Theo ông Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi đã chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm hơn 45% về quy mô và hơn 60% về sản lượng. Đã hình thành nhiều ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển chăn nuôi thời gian qua và những năm tiếp sau, trong đó công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa đứng đầu khu vực về năng suất.

Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn giữ mức cao trong nhiều năm qua, trung bình 5 - 6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, dưới các hình thức chăn nuôi gia công, hợp tác xã chăn nuôi, doanh nghiệp (DN) và nông dân cùng làm…

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành chăn nuôi cũng gặp nhiều thách thức về kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh của sản phẩm và vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi. Thực tế đến nay, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tăng ở mức thấp khoảng 31,5 - 32%, không đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 là 42%.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành chăn nuôi sản xuất tốt nhưng dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết và kết nối sâu, công nghiệp chế biến còn yếu. Đặc biệt, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra. Mục tiêu và định hướng phát triển chăn nuôi trong Chiến lược giai đoạn 2008 - 2018 chưa đánh giá hết được vai trò quan trọng của yếu tố thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn và yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả với chăn nuôi trâu, bò thịt.

Chăn nuôi cần phải thực hiện theo mệnh lệnh của thị trường

Để đạt được mục tiêu năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2040, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sắp tới đây phải đẩy mạnh hơn nữa chăn nuôi gia cầm, gia súc, bò sữa và các vật nuôi khác như trong Luật Chăn nuôi đã có. Điều này sẽ khơi được tất cả tiềm năng của ngành chăn nuôi, đồng thời khoa học dinh dưỡng cân đối hơn. Thí dụ, như tăng sản lượng thịt bò, thịt trâu chiếm 10 - 12%, gia cầm chiếm 20 - 22%, giảm sản lượng thịt lợn xuống mức 60 - 62%. Minh chứng là có những năm sản lượng thịt dê, cừu đã chiếm đến 20 - 21%.

Năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành chăn nuôi nên tỷ lệ thịt bò tăng 8.500 tấn, thịt dê, cừu tăng 4.100 tấn. Ngoài ra, có các sản phẩm khác như tổ yến tuy sản lượng không nhiều nhưng giá trị cao, mật ong XK tới 30.000 tấn.

Đặc biệt, liên quan đến việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay từ khi thực hiện Chỉ thị 34 đã yêu cầu tổ chức tái đàn một cách chủ động khi dịch tả lợn châu Phi thuyên giảm. Hiện, chống dịch tả lợn châu Phi đã thu được những kết quả rất tích cực nhờ hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành, cơ chế chính sách đã đi ngay vào cuộc sống, hướng dẫn tổ chức dưới luật có hiệu quả. Chẳng hạn, số lượng lợn tiêu hủy giảm nhanh: tháng 11 dự kiến phải tiêu hủy 200 nghìn con, thực tế chỉ tiêu hủy 152 nghìn con; tháng 12 dự kiến 50 nghìn con nhưng chỉ có khoảng 40 nghìn con bị tiêu hủy.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, hiện nay, khâu kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc này ảnh hưởng và thiếu công bằng đối với những DN đầu tư bài bản. Bởi chi phí đầu tư một dây chuyền giết mổ rất cao. Ngoài ra, rủi ro của ngành chế biến này cũng rất lớn. Do đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt khâu giết mổ, quan tâm khuyến khích đến truy xuất nguồn gốc.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện đã có 24 tỉnh, thành phố và 85% xã hết dịch qua 30 ngày. Đây là điều kiện tốt để tái đàn. Hiện, nhiều tỉnh như Đồng Nai, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang đã có văn bản hướng dẫn giữ an toàn sinh học để tái đàn, sang tháng 1-2020 có sản phẩm lợn tái đàn. Ngoài ra, đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất các ngành khác như gia cầm, thủy, hải sản. Năm 2019, sản lượng gia cầm tăng 93.600 tấn, trứng 2,6 tỷ quả, tương đương hơn 100 nghìn tấn, cùng với thịt bò và dê, cừu sẽ đủ sản lượng để bù đắp cho thiếu hụt thịt lợn và XK.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T Hòa Bình cho rằng, chiến lược phát triển chăn nuôi không cần nặng nề về mặt số liệu, bởi chăn nuôi cần phải thực hiện theo mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, tháo gỡ rào cản, khó khăn cho DN, đề xuất khuyến khích các DN đầu tư công nghệ xử lý môi trường vào chăn nuôi, khuyến khích những mô hình mới để nhân rộng.

Giải pháp căn cơ

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, song chúng ta đã rút được ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ cơ quan chỉ đạo cho đến người dân, trong đó hiểu được thế nào là chăn nuôi an toàn sinh học. Làm an toàn sinh học triệt để thì bệnh dịch này dù rằng chưa có vắc xin phòng ngừa vẫn giữ được đàn.

Theo tiến độ hiện nay, khoảng tháng 2-3/2020 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn sẽ trở lại trạng thái bình thường như thời điểm trước khi chưa có dịch, thậm chí có đơn vị cơ cấu đàn còn cao hơn. Song cần quán triệt thật chặt vấn đề an toàn sinh học.

Vấn đề tái đàn ở những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ cần phải đưa ra bàn bạc kỹ. Bởi, những hộ này không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học được tốt như các cơ sở lớn, Bộ trưởng lưu ý.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp căn cơ là tập trung giữ an toàn sinh học, không để xảy ra dịch bệnh ở các ngành chăn nuôi, đặc biệt với chăn nuôi lợn cần sớm tái đàn để đáp ứng nhu cầu thịt lợn của người dân trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2020 - 2030, ngành chăn nuôi định hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ với môi trường.

Theo Thanh Tâm/kinhtenongthon.vn