Phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững thời dịch bệnh

Phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững thời dịch bệnh
Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm đã có hướng đi phù hợp, bền vững và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ là hướng phát triển bền vững - Ảnh: Thiện Tâm

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm của Hà Nội đứng tốp đầu cả nước về số lượng và sản lượng; tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 55% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đàn gia cầm đạt gần 34 triệu con; trâu 24 nghìn con, giảm 0,5%; bò 134,5 nghìn con, tăng 1,3%; lợn gần 1,2 triệu con, giảm 41,9% so với cùng kỳ.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã ổn định về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã không phát sinh thêm và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm từ thịt lợn của Hà Nội vẫn ở mức cao. Do Hà Nội có trên 10 triệu dân sinh sống, học tập, làm việc; trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 800 - 900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, trong khi Thành phố chỉ đáp ứng được trên 60%... nên Hà Nội cần có hướng phát triển lâu dài và bền vững, để đảm bảo nguồn cung.

Để đáp ứng nhu cầu tái đàn và đảm bảo an toàn dịch bệnh, thời gian qua, ngành chăn nuôi Hà Nội đã áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học… tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao; an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời ứng dụng công nghệ cao như chuồng sàn, máng ăn, máng uống tự động. Bên cạnh đó đã hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia; quy trình thực hành chăn nuôi tốt theo Quyết định của Bộ NN&PTNT.

Phát triển an toàn thời dịch bệnh

Dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên việc tái đàn phát triển còn chậm, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, Thành phố vấn yêu cầu các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh chăn nuôi phải tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín.

Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh hiện diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT yêu cầu cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ chăn nuôi-giết mổ-tiêu thụ sản phẩm. Triển khai có hiệu quả Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Bên cạnh đó, UBND TP sớm ban hành Quyết định phê duyệt “Mạng lưới các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố Hà Nội; quyết liệt chỉ đạo chính quyền địa phương có kế hoạch cụ thể cho việc quy hoạch chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư.

Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố; tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng…

Đặc biệt, các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ  đất cho việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chăn nuôi tập trung; tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn