Phát triển chăn nuôi lợn thành ngành hàng chủ lực trong quá trình TCCNN Vĩnh Phúc
- Thứ hai - 29/06/2015 20:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chăn nuôi lợn ở Vĩnh Phúc có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển như: Đã tạo được uy tín với thị trường do chất lượng con giống và đàn lợn thịt tốt (95% đàn lợn thịt là lợn lai từ 3/4 đến 7/8 máu ngoại; khoảng 15% lợn nái là lợn 100% máu ngoại, số lợn nái còn lại cũng có tỷ lệ lai từ 1/2 – 7/8 máu ngoại); các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngày càng phát triển và thể hiện tính cạnh tranh cao; vị trí địa lý và điều kiện giao thông thuận lợi cùng với đó là đội ngũ thương lái thu gom lợn đông đảo, góp phần quan trọng trong khâu tiêu thụ sản phẩm; nguồn lực đất đai ở khu vực trung du, miền núi khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu mở rộng chăn nuôi, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh; việc kiểm soát dịch bệnh tốt giúp giảm rủi ro sản xuất và thương mại sản phẩm. Từ những tiềm năng cơ hội trên, chăn nuôi lợn được xác định là ngành hàng chủ lực trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Phúc.
Cũng theo đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” mục tiêu đến năm 2020: Tăng trưởng giá trị sản xuất trong chăn nuôi lợn đạt trung bình 5%/năm. Phát triển chăn nuôi lợn tập trung quy mô trang trại ở các địa bàn trung du, miền núi. Tỷ lệ số hộ nuôi từ 500 con trở lên: 10%, hộ nuôi từ 100 đến 499 con: 20%, nuôi từ 20 đến 99 con: 40%, hộ nuôi dưới 20 con: 30%. Phát triển cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và xây dựng chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch, tiêu thụ tại các thành phố lớn và hướng tới xuất khẩu. Phát triển các hình thức liên kết trong tổ chức sản xuất, giữa các hộ chăn nuôi và giữa doanh nghiệp với tổ chức của người chăn nuôi.
Nhiều trang trại nuôi lợn ở Vĩnh Phúc có quy mô hàng trăm lợn thịt/lứa
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp như: Quy hoạch, phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm ở các huyện trung du miền núi Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo. Hỗ trợ vốn vay, miễn giảm tiền thuê đất cho các trang trại; hỗ trợ tinh lợn ngoại; đào tạo nâng cao năng lực chủ trang trại; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở giống cấp ông, bà cung cấp giống bố, mẹ; hỗ trợ trang trại nuôi lợn bố, mẹ và cung cấp tinh giống lợn ngoại cao sản. Xây dựng và hỗ trợ các mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAPH; thu hút các doanh nghiệp liên kết đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Hỗ trợ phát triển các HTX chuyên ngành chăn nuôi lợn; nâng cao khả năng hoạt động của các HTX chăn nuôi lợn trong việc hỗ trợ các thành viên. Hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm nông nghiệp cho cơ sở chăn nuôi an toàn. Đào tạo người chăn nuôi lợn chuyên nghiệp; tăng cường tập huấn kỹ thuật và nâng cao ý thức phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường cho người chăn nuôi.
Theo: nnptntvinhphuc.gov.vn