Phát triển chăn nuôi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- Thứ sáu - 02/03/2018 09:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau trồng trọt, chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đổi mới chăn nuôi nông hộ, chuyển dần chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, tạo sản phẩm đặc sản, đặc thù, chất lượng, giá trị hàng hóa cao, tận dụng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, tập trung phát triển con nuôi lợi thế, gồm: Bò sữa, bò thịt, lợn nạc, gà lông màu và các con nuôi đặc sản.
Thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi, các địa phương đã rà soát, quy hoạch, dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi trang trại tập trung. Tuyên truyền, phổ biến, định hướng cho bà con nông dân về phát triển những loại vật nuôi có lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường. Chủ động mời gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi. Đáng chú ý, để khuyến khích phát triển chăn nuôi, từ năm 2015, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các xã thực hiện xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào, gồm các hạng mục: Đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp nước cho khu trang trại tập trung trên địa bàn xã đã được quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm đủ các điều kiện: Mỗi khu đã có ít nhất từ 4 trang trại chăn nuôi quy mô lớn trở lên, số lượng đàn gia súc, gia cầm của mỗi trang trại phải cam kết thường xuyên với quy mô, đối tượng nuôi 300 con trở lên đối với trang trại chăn nuôi bò, 200 lợn nái ngoại sinh sản trở lên hoặc 100 lợn nái ngoại sinh sản và 500 lợn ngoại nuôi thịt trở lên đối với trang trại chăn nuôi lợn. Đối với trang trại chăn nuôi gà lông màu phải có quy mô 20.000 con gà nuôi thịt trở lên hoặc 10.000 con gà nuôi sinh sản trở lên. Mức hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng, nhưng không quá 3 tỷ đồng/khu đối với miền xuôi và 3,5 tỷ đồng/khu đối với miền núi. Ngoài ra, một số huyện còn có chính sách hỗ trợ riêng, như: Huyện Như Xuân hỗ trợ 25 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 20 con trở lên; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho diện tích đất trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc; hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu trong lĩnh vực chăn nuôi, cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ, nên ngành chăn nuôi của tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là phát triển trang trại. Chăn nuôi nông hộ được củng cố theo hướng an toàn, bền vững. Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư đầu vào như đàn giống, thức ăn, phụ gia bổ sung và sản phẩm chăn nuôi được quản lý chặt chẽ hơn. Vì vậy, năng lực sản xuất lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Phương thức chăn nuôi ngày càng được cải thiện... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, với tổng số tiền đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng; trong đó, có một số dự án chăn nuôi quy mô lớn, như: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng Trại bò Thanh Hóa 2, tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh; Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa xây dựng các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con tại huyện Yên Định; Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và Thực phẩm sữa TH đầu tư dự án bò sữa, với quy mô 20.000 con, tại 2 huyện Như Thanh và Thọ Xuân; Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước đầu tư dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 20.000 bê đực được nhập về từ Úc, tại các huyện Bá Thước, Như Xuân, Cẩm Thủy; Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đầu tư dự án liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản với quy mô 100.000 tấn/năm và 70.000 con lợn, tại huyện Ngọc Lặc.
Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát và lập quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn tập trung. Quy hoạch phát triển trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững. Thực hiện tốt các chính sách của tỉnh và của Trung ương đã ban hành, trọng tâm là chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án về chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, theo dõi các dự án lớn được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ, đôn đốc các dự án triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Cùng với đó, rà soát, thống kê chăn nuôi để có kế hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương, vừa bảo đảm ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm. Tổ chức lại hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín từ khâu chăn nuôi, đến tiêu thụ sản phẩm.
.Bài và ảnh: Hương Thơm/baothanhhoa.vn