Phát triển du lịch, kinh tế tập thể, bảo vệ môi trường là vấn đề trọng yếu
- Thứ ba - 28/11/2017 07:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đánh giá Đề án phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng, Hà Tĩnh là địa phương có những điểm bất lợi để phát triển du lịch so với các tỉnh trong khu vực như: thời tiết khắc nghiệt, giao thông không thuận lợi (không có cảng hàng không, ga đường sắt lớn…). Vì vậy, đề án cần cân nhắc khi phát triển loại hình du lịch nào là trọng tâm để đầu tư, kêu gọi.
Về nguồn lực thực hiện 3 đề án, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị tính toán, cân đối để phù hợp điều kiện thực tiễn và tính khả thi.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng cho rằng phát triển du lịch phải gắn với thương mại dịch vụ, các tiện nghi, sản phẩm phục vụ du lịch. Trong giải pháp cần tập trung quy hoạch, nên quy hoạch những vùng có thể phát triển được du lịch. Nhà nước tập trung đầu tư hạ tầng bằng đa dạng hóa huy động nguồn lực; kêu gọi, lựa chọn những nhà đầu tư lớn và không hỗ trợ những dự án manh mún, nhỏ lẻ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, phải xác định BVMT là vấn đề sống còn của phát triển bền vững. Vì vậy, trong giải pháp nên giám sát, đẩy lùi và chấm dứt những cơ sở gây ô nhiễm.
“Trước đây, nói đến nông thôn là nói đến môi trường trong lành, nay thì ở nông thôn cũng ô nhiễm nghiêm trọng. Việc xử lý chất thải từ nông thôn đến thành thị đang là vấn đề đáng báo động.” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư hạ tầng xử lý rác thải, chỉ khuyến khích xã hội hóa thu gom rác thải.
Về đề án phát triển kinh tế tập thể, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, hiện đang có nhiều HTX “hữu danh, vô thực”, trong thời gian tới cần phát triển theo chất lượng, không chạy theo số lượng; khuyến khích các HTX môi trường, HTX nông nghiệp...
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cũng cho rằng, vấn đề là làm thế nào để khai thác được tiềm năng, hạn chế được bất lợi, tạo được sự khác biệt của du lịch Hà Tĩnh, từ tiềm năng phát triển những sản phẩm đặc trưng.
Về giải pháp, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý phải nhấn mạnh kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng, đào tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, quảng bá hình ảnh…
Về đề án bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, bên cạnh xã hội hóa cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Đối với phát triển HTX, THT phải đi vào thực chất, không chạy theo số lượng.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng đề án của Ban Cán sự UBND tỉnh, mặc dù trong điều kiện thời gian ngắn, nhiều công việc phải làm. Tuy nhiên, cần tiếp thu tối đa, hoàn chỉnh để các đề án có tính khả thi cao.
"Chúng ta cần đánh giá kỹ hơn, mặc dù không phải là địa phương nổi trội về tiềm năng du lịch, nhưng cũng không phải là không có gì để phát triển du lịch. Chúng ta phải chọn được sản phẩm du lịch khác biệt, khẳng định thu hút nguồn lực, ưu tiên nhà đầu tư lớn. Vấn đề là phải tạo được cơ chế thu hút đầu tư, môi trường thuận lợi, đảm bảo an ninh, GPMB nhanh gọn.” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Vấn đề BVMT là thực sự cần thiết, phải nhìn nhận đánh giá những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp để phát triển bền vững. Xác định môi trường nông thôn cũng là trọng điểm. Về chính sách, cần khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, xã hội hóa xử lý môi trường.
Về phát triển kinh tế tập thể, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, phải đánh giá thật khách quan về số lượng, chất lượng. Không thành lập HTX theo phong trào, chỉ khuyến khích những HTX mà xã hội cần. Cái gốc là nâng cao giá trị gia tăng trong từng HTX, THT.
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn