Phát triển du lịch nông nghiệp trên ‘đất trăm nghề’

Phát triển du lịch nông nghiệp trên ‘đất trăm nghề’
Hà Nội có nền sinh thái nông nghiệp lâu đời, ngoài ra Thành phố được mệnh danh là “đất trăm nghề” nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Du lịch nông nghiệp thu hút nhiều học sinh tiểu học đến trải nghiệm bởi có nhiều loại hình hấp dẫn - Ảnh: Thiện Tâm

Theo chia sẻ của ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, du lịch nông nghiệp sinh thái đang trở thành một “món ăn lạ” bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá. Phát triển du lịch nông nghiệp thực sự là hướng đi giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả bởi Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, 70% người dân là nông dân. Tại Hà Nội, khai thác du lịch nông nghiệp hiện nay đã được nhiều tổ chức, cá nhân và một số địa phương của Hà Nội quan tâm, chú trọng đầu tư khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp để phát triển du lịch.

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Du khách hiện nay có xu hướng quan tâm tới mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp bởi họ muốn được thưởng thức thực phẩm ngon, sạch trong không gian sinh hoạt mang tính cộng đồng nông nghiệp làng xã. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đẩy mạnh các yếu tố trải nghiệm gắn với bản sắc văn hóa của các vùng miền nhằm tạo nên sức thu hút, đặc biệt là với du khách nước ngoài.

Thời gian gần đây, Hà Nội hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục; tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn; hay ngay trong khu vực nội đô, cách trung tâm Hà Nội không xa, quận Long Biên được biết đến như là “thủ phủ” của du lịch sinh thái. Nơi đây từng là ngoại thành của Hà Nội với những bờ bãi, vườn cây được phù sa sông Hồng bồi đắp tạo nên một vùng có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, phì nhiêu. Sau quá trình đô thị hóa, Long Biên trở thành quận nội thành nhưng đến nay mô hình du lịch sinh thái tại đây đang phát triển ngày càng mạnh với những cái tên quen thuộc như: Làng văn hóa ẩm thực Nắng sông Hồng, Khu du lịch sinh thái Bảo Sơn… Ngoài ra tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách bởi những vườn cây trĩu quả, gợi nhớ về miệt vườn Tây Nam Bộ giữa lòng Hà Nội.

Theo ông Chu Phú Mỹ, có thể thấy, tiềm năng phát triển mô hình du lịch sinh thái tại Hà Nội rất lớn. Nếu biết cách khai thác, mô hình này sẽ còn phát triển mạnh hơn trong những năm tới. Đặc biệt mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đã đem lại nhiều giá trị tích cực về vấn đề tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần giữ gìn nghề nông nghiệp truyền thống cũng như duy trì sản vật địa phương.

Ngoài ra những sản làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội cũng ngày càng hấp dẫn các du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo tinh túy của các làng nghệ nhân làng nghề qua từng tác phẩm độc đáo. Hiện trên địa bàn thành phố có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề. Cùng với những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các làng nghề truyền thống.

Phát triển cần quy hoạch cụ thể 

Tuy nhiên, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Một số khu vực có điều kiện đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu.

Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn rất giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch. Bên cạnh đó, giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, sự tinh tế, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng phục vụ du khách. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn du khách.

Vì vậy, theo ông Chu Phú Mỹ, để phát triển du lịch nông nghiệp cần có quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp theo một quy chuẩn cụ thể, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Nhà nước và Thành phố cần hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch này, đảm bảo du lịch nông nghiệp được thực hiện quanh năm theo mùa vụ. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên và tập huấn cho những người tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn có trình độ lý luận và thực tiễn.

Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động du lịch mở nhiều phòng trưng bày bán sản phẩm làng nghề, sản vật địa phương đã được chọn lọc, sáng tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách nội địa và quốc tế.

Du lịch là một ngành tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao. Vì vậy, để cho các loại hình du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp được phát triển bền vững thì rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Bên cạnh đó là những quyết sách mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông thôn mới, tạo cho du lịch nông nghiệp có không gian hoạt động và phát triển bền vững.

Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn