Phát triển giao thông nông thôn: Quan tâm hơn tới vùng xa, vùng sâu

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào phát triển Giao thông nông thôn (2001-2010), triển khai chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ GTVT tổ chức cuối tuần qua tại tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, phát triển giao thông nông thôn cần phải có lộ trình phù hợp, trong đó phải quan tâm đến vùng xa, vùng sâu, vùng nhiều người hưởng lợi.
Đường nông thôn ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày càng khang trang hơn. Ảnh: Linh Anh
Theo báo cáo của Bộ GTVT, nông thôn, miền núi Việt Nam chiếm gần 95% diện tích đất đai, 76,5% dân số. Sau 10 năm triển khai Phong trào Phát triển giao thông nông thôn (GTNT), hệ thống GTNT đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, việc đi lại, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người dân đã được cải thiện. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 272.861 km đường GTNT, trong đó đường huyện khoảng 47.562 km, chiếm 14,3%, đường xã 148.278 km, chiếm 44,58%, đường thôn xóm 77.022 km, chiếm 23,12%, giao thông nông thôn chiếm tới 82% tổng mạng lưới đường bộ toàn quốc… Tuy nhiên, do chưa được tổ chức quản lý bài bản, không được bảo trì sau đầu tư nên hệ thống đường này nhanh chóng xuống cấp. Hơn nữa do vốn đầu tư thiếu, chưa lồng ghép được giữa các nguồn vốn với nhau nên hiệu quả đầu tư các dự án chưa cao...
Được biết, trong giai đoạn 2001-2010, Bộ GTVT đã tìm kiếm và huy động được tổng số vốn từ nguồn ODA là 749 triệu USD, tương đương 14.980 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn huy động khác đạt 86.796 tỷ đồng. Hiện, cả nước vẫn còn 149 xã chưa có đường ô tô với tổng nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 8.035 tỷ đồng.
Hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Bộ GTVT phấn đấu đến năm 2015, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trừ các xã đặc biệt khó khăn; 100% đường huyện, đường xã đi lại quanh năm, nhựa hoá 100% đường huyện và 70% đường xã, tối thiểu 50% đường thôn, xóm được cứng hoá. Từng bước kiên cố hoá cầu cống trên đường GTNT, xoá bỏ hết cầu khỉ.
Khẳng định những khó khăn mà Bộ GTVT đưa ra đồng thời cũng là những hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa chủ trương phát triển GTNT, cần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực và xã hội hoá mạnh mẽ để phát triển GTNT, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc vận động người dân hưởng ứng tham gia. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch GTNT để có lộ trình thực hiện phù hợp, theo đó quan tâm vùng xa, vùng sâu, vùng nhiều người hưởng lợi và ưu tiên đầu tư hệ thống cầu trước, sau mới đến đường.
Theo Ktdt