Phát triển giao thông nông thôn giúp người dân xóa đói giảm nghèo

Phát triển giao thông nông thôn giúp người dân xóa đói giảm nghèo
Ngày 26/6, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển giao thông nông thôn giúp người dân xóa đói giảm nghèo - Nhìn từ góc độ nguồn vốn ODA" nhằm thu thập ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng phát triển giao thông nông thôn hiện nay cũng như những vấn đề đặt ra đối với phát triển giao thông nông thôn trong thời gian tới.

Phát triển giao thông nông thôn sẽ giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Tham gia Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ Giao thông Vận tải. Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, giao thông đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Những năm qua, nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn không ngừng gia tăng, trong đó nguồn vốn ODA là một trong những nguồn vốn quan trọng. 

Ngoài việc thu hút vốn từ các gia đình nông thôn, nông dân, các nguồn vốn của doanh nghiệp, Chính phủ đã dành nguồn vốn ODA khá lớn cho giao thông nông thôn. Trong 5 năm qua, nguồn vốn đầu tư cho giao thông nông thôn xấp xỉ 48.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 nghìn tỷ đồng so với giai đoạn 2005 - 2010; tỷ trọng vốn ODA dành cho giao thông nông thôn chiếm từ 10% - 15% trong tổng nguồn ODA cho xây dựng giao thông vận tải. 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, giao thông có một vị trí đặc biệt, được xem là mạch máu đối với nền kinh tế. Ở khu vực vùng sâu vùng xa, nơi nào giao thông phát triển, khu vực đó điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn. Phát triển giao thông nông thôn đã rút ngắn khoảng cách cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa với các vùng miền khác. 

Giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, sản phẩm của bà con đến được với các thị trường khác nhau. Cũng nhờ giao thông, người dân được hưởng lợi từ việc cung cấp vật tư, các sản phẩm hàng hóa từ đô thị, đồng bằng cho nhu cầu thiết yếu của mình; điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục thuận lợi... Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, giao thông là một nền tảng cơ sở vật chất rất quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển của những ngành khác. 

Từ việc phát triển giao thông, kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trước đây, việc phát triển giao thông nông thôn chủ yếu do Nhà nước đầu tư, nay đã chuyển sang hình thức mới, nhân dân làm là chính và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Đánh giá cao vai trò của giao thông nông thôn đối với vấn đề xóa đói giảm nghèo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, trong quá trình giảm nghèo bền vững, giao thông nông thôn nói riêng và giao thông nói chung có vị trí quan trọng. Giao thông đi đến đâu, kinh tế phát triển đến đó và biến sản phẩm theo hình thức tự cung, tự cấp thành hàng hóa. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên ngân sách đề đầu tư cho phát triển giao thông, coi đó là một trong những mục tiêu thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững. Nếu xử lý tốt vấn đề giao thông tức là xử lý tốt vấn đề sản phẩm được thu mua, chế biến và cung cấp cho thị trường. 

Để việc đầu tư hệ thống giao thông nông thôn đạt hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Nhà nước cần lựa chọn để đầu tư vào những vùng thiết yếu, trên cơ sở có những kết nối giữa các vùng sâu, vùng xa; đồng thời tạo động lực chung giữa các vùng phát triển đồng đều. Việc giám sát về nguồn vốn đầu tư, chất lượng công trình cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, đưa người dân làm chủ để chống thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư. 

Ủng hộ quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao việc giải quyết bài toán là người dân và chính quyền địa phương tham gia phát triển giao thông nông thôn. Khi người dân trực tiếp tham gia xây dựng giao thông, họ thấy được cả quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công trình đó, công tác duy tu bảo dưỡng sau này sẽ được thực hiện tốt hơn rất nhiều. 

Theo ông Nguyễn Lâm Thành, một điểm quan trọng khi đầu tư là bài toán quy hoạch để phát triển mạng lưới giao thông gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó triển khai đồng bộ phát triển nông nghiệp, sản xuất, chế biến với các ngành dịch vụ khác và coi đó là một bài toán cần được phân tích kỹ càng để giải quyết tốt.
 
Đỗ Bình (TTXVN)