Phát triển hợp tác xã thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long Động lực để xây dựng nông thôn mới

Phát triển hợp tác xã thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long Động lực để xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc nâng cao đời sống các hộ dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả và phát triển bền vững, các HTX thủy sản cần phải có nhiều hỗ trợ từ các địa phương.

Vào hợp tác xã để cùng phát triển

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 155 HTX, chiếm 1/3 số HTX thủy sản của cả nước. Thời gian qua, nhiều HTX  hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của vùng; đặc biệt là tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển NTM.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) cho biết: "HTX Thới An có 36 hộ là xã viên và 230 người lao động, hoạt động chủ yếu là tìm và cung cấp nguồn cá giống, thức ăn, hợp đồng bao tiêu sản phẩm…; ngoài ra, còn có một đội đánh bắt chuyên thu hoạch cá cho xã viên và nhân dân trong quận. Thời gian qua, chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xã viên giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và là nơi tiếp nhận, chuyển giao có hiệu quả các ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo trong nông thôn. Đến nay, HTX đã hỗ trợ đầu tư nhiều cây cầu, đường giao thông nông thôn, nhà tình nghĩa, tình thương, tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện góp phần xây dựng NTM".

Cũng như Thới An, HTX Thủy sản Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hiện có 116 hộ xã viên, có 547 công nhân, trong đó hộ dân là người dân tộc Khơ-me chiếm 57%, hoạt động chủ yếu là sản xuất và kinh doanh các loài thủy sản như tôm, cá kèo, cua... Thu nhập bình quân một hộ xã viên từ 40 đến 45 triệu đồng/năm, còn người lao động từ 20 đến 28 triệu đồng/năm. Hầu hết các xã viên đều phấn đấu làm ăn và làm tròn trách nhiệm của mình.

Ông Huỳnh Văn Thiện, Chủ nhiệm HTX Lai Hòa, nói: "Lâu nay, chúng tôi không chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh mà còn phải giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt đời sống xã viên, tham gia tích cực trong việc tổ chức lễ hội của cộng đồng, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau những lúc ốm đau, khó khăn, hoạn nạn… Đây là yếu tố hết sức quan trọng dẫn đến sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM hiện nay".

Thu hoạch cá tra tại HTX Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Rất nhiều HTX ở các địa phương vùng ĐBSCL đang tham gia tích cực vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên, góp phần vào việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nên tình đoàn kết ở địa phương… Đây chính là mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM - một chương trình lớn được triển khai nhằm phát triển nông thôn toàn diện.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo đánh giá của các địa phương thì số lượng HTX và số hộ tham gia hiện nay còn ít, trong tổng số 155 HTX thì bình quân mỗi HTX chỉ có khoảng 40 hộ. Vậy trong số 155 HTX thủy sản thì chỉ có khoảng 6.200 hộ tham gia và chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với 336.139 hộ chuyên nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Không ít HTX thủy sản cũng thừa nhận, hiện năng lực của các HTX, nhất là vốn, trình độ cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, khả năng tiếp cận chính sách nhà nước còn thấp và chậm dẫn đến hiệu quả hoạt động còn hạn chế; thu nhập của xã viên và người lao động đôi lúc còn thiếu ổn định. Hầu hết các HTX chỉ làm dịch vụ cung cấp giống, thức ăn, thuốc trị bệnh thủy sản và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Tổng cục Thủy sản, do đặc điểm sản xuất nuôi trồng thủy sản phụ thuộc vào điều kiện sinh thái tự nhiên và thời tiết khá lớn, sự chi phối của thị trường về cung cầu, giá cả nên hoạt động liên kết kinh tế theo hình thức hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Do các HTX có quy mô nhỏ, lẻ nên khó tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.

Cần thêm hỗ trợ

Ông Phan Văn Đống, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang cho biết: Khó nhất hiện nay của các HTX thủy sản là thiếu vốn. Sản xuất, kinh doanh thủy sản cần phải đầu tư nhiều vốn, nên có chính sách hỗ trợ lãi suất để các HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Ngoài ra, cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các viện, trường đầu tư vào sản xuất giống thủy sản chất lượng cao cho các HTX áp dụng theo quy trình VietGap.

Ông Đống cho rằng, tuy Luật HTX đã ra đời nhưng khi áp dụng thực tế còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp nên cần sớm sửa đổi, bổ sung. Hiện tại, các văn bản hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như: Đất đai, tài chính, đào tạo, quỹ hỗ trợ phát triển… mỗi địa phương có một cách tiếp cận khác nhau, chưa đồng bộ, thống nhất.

Về hướng phát triển mới cho HTX thủy sản, ông Dương Văn Thể, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho biết:

- Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các HTX thủy sản mới, kinh doanh tổng hợp đa ngành hoặc chuyên ngành, phù hợp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển HTX phải vận hành theo cơ chế thị trường, luôn đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng thu nhập cho xã viên. Khuyến khích huy động nguồn vốn của xã viên để không ngừng tăng thêm vốn đầu tư phát triển HTX.

Các HTX có vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM nên các địa phương cần tuyên truyền, vận động xã viên tích cực tham gia thực hiện một số nội dung thuộc chương trình, dự án của địa phương về xây dựng NTM. Các HTX có nhiệm vụ nâng cao thu nhập cho các hộ dân nên cần có bước đi phù hợp. Hy vọng trong thời gian tới, những khó khăn, hạn chế của các HTX thủy sản khu vực ĐBSCL dần được tháo gỡ và phát triển bền vững, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Theo QĐND