Phát triển hợp tác xã vùng nông thôn mới

Phát triển hợp tác xã vùng nông thôn mới
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí mới (Quyết định 1980/QĐ-TTg). Trong đó, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất quy định: “Xã đạt chuẩn tiêu chí về tổ chức sản xuất khi đáp ứng đồng thời 2 yêu cầu: Xã có hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững”.
Hợp tác xã kiểu mới phải thể hiện vai trò của mình đối với thành viên. Trong ảnh: Hợp tác xã Hòa Liên tích cực hỗ trợ thành viên bằng việc tìm tòi các dự án cho người lao động làm việc.
Hợp tác xã kiểu mới phải thể hiện vai trò của mình đối với thành viên. Trong ảnh: Hợp tác xã Hòa Liên tích cực hỗ trợ thành viên bằng việc tìm tòi các dự án cho người lao động làm việc.

Để làm rõ hơn tiêu chí số 13, ngày 9-1-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành “Sổ tay hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020” nêu rõ: Xã có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 khi xã có ít nhất 1 HTX được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012; có ít nhất 1 loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu theo đặc điểm từng vùng phục vụ thành viên HTX; kinh doanh có lãi liên tục trong 2 năm tài chính gần nhất hoặc 1 năm tài chính đối với HTX mới thành lập dưới 2 năm; có quy mô thành viên lớn; tham gia chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực.

Ngoài ra, đối với xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững, khi trên địa bàn xã có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết ổn định tối thiểu là một chu kỳ sản xuất đối với cây lâm nghiệp, hai chu kỳ thu hoạch đối với các sản phẩm khác và được sản xuất theo quy trình, chất lượng thống nhất giữa các bên tham gia liên kết. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã là sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, người dân có kinh nghiệm sản xuất, gần thị trường lớn... để cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, có diện tích sản xuất, quy mô đàn, sản lượng lớn và gắn với hoạt động sinh kế của đa số người dân trong xã; hoặc có hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã phải phù hợp với quy hoạch hoặc định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của xã.

Lãnh đạo Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2011-2016, Đà Nẵng đã về đích xây dựng nông thôn mới giai đoạn đầu tại 11 xã. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tổng thể, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang chỉ có 7 xã có HTX (4 xã chưa có HTX gồm Hòa Ninh, Hòa Khương, Hòa Sơn, Hòa Bắc). Đối với các xã có HTX thì hoạt động còn nhiều hạn chế, đơn điệu, nhỏ lẻ, mạnh mún, chỉ mang tính chất cung ứng dịch vụ đầu vào sẵn có, dễ làm như dịch vụ làm đất, dịch vụ giống, dịch vụ thủy nông, dịch vụ bảo vệ thực vật, những sản phẩm dịch vụ đầu ra như dịch vụ tiêu thụ, còn dịch vụ chế biến sản phẩm hầu như thả nổi cho thành viên. Vì vậy, dẫn đến tình trạng khi được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, thu nhập của thành viên vì thế không ổn định, đời sống còn thấp.

Vì vậy, từ nay đến năm 2020, để tiếp tục giữ vững và phát triển chương trình xây dựng NTM ở huyện Hòa Vang, bên cạnh việc tập trung củng cố các HTX hiện có, nhất thiết ngành liên quan cùng chính quyền địa phương phải nỗ lực hơn nữa nhằm đưa kinh tế tập thể phát triển mạnh. Ông Tôn Thất Uyên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng cho rằng, đối với các xã chưa có HTX, cần đẩy nhanh tiến độ thành lập HTX trên cơ sở tuyên truyền, vận động hộ nông dân tự nguyện tham gia tích cực HTX. Đối với các xã đã có HTX, phải phát triển quy mô thành viên, nâng cao và mở rộng những dịch vụ mà thành viên HTX cần. Đặc biệt, HTX phải thể hiện bản chất, vai trò của HTX là phục vụ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; trong đó cần tập trung củng cố những hoạt động, dịch vụ của HTX theo hướng phát triển ổn định và bền vững, mở thêm các loại hình dịch vụ liên quan đến việc giải quyết đầu ra ổn định cho những mặt hàng nông sản chủ lực của thành viên HTX và người dân địa phương.

Tuy nhiên, để làm được việc này, các ngành, các cấp cần đầu tư, xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực thích ứng với điều kiện, thế mạnh của từng vùng. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến những mô hình HTX hoạt động có hiệu quả cao để tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của HTX. Đồng thời, cần chỉ đạo xử lý dứt điểm bằng cách giải thể, sáp nhập hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động và những HTX không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012… Có như vậy, phát triển HTX tại các xã nông thôn mới mới bền vững và hiệu quả.

Bài và ảnh: PHAN HÀ/ Báo Đà Nẵng