Phát triển làng nghề bền vững Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Phát triển làng nghề bền vững Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Việc phát triển làng nghề bền vững chính là hướng đi hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo về vấn đề xây dựng NTM vào sáng 31/1, do Hội Nông dân Hà Nội và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên có hơn 200 hộ dân, nhưng có tới 90% số hộ làm nghề. Với tuổi đời cả ngàn năm, làng nghề này đã được biết đến với những sản phẩm khảm ốc xà cừ trên nền gỗ quý như sập gụ, tủ chè, tranh bộ, tứ bình... được xuất đi thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Hỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, sản xuất trong làng nghề chủ yếu vẫn theo quy mô nhỏ, việc đào tạo nghề phần lớn theo phương thức "cha truyền con nối".
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 1.350 làng nghề, chiếm khoảng 50% số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề phát triển còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư chiều sâu và khoa học công nghệ. Hơn  nữa, phần lớn các làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu, mã số, mã vạch cho sản phẩm nên tính cạnh tranh chưa cao.

Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ được giới thiệu tại Hội hoa - chợ Tết 2013. Ảnh: Quang Thiện

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận xét: Tất cả những tinh túy của làng nghề truyền thống Việt Nam đều tập trung tại Thủ đô, song hiện có tới 50% làng nghề không tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp tan rã, xuất khẩu nhỏ giọt, môi trường đang bị ô nhiễm. Nhiều làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Ngũ Xá, giấy Yên Thái, cốm làng Vòng, hương Yên Phụ... một thời là niềm tự hào của Hà Nội nhưng đến nay nghề còn, nghề mất, nghề đang bị cơ chế thị trường cuốn vào một cơn lốc mới...
Đổi mới mạnh mẽ
Chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững của Nhà nước nên lấy đối tượng chính là người thợ, nghệ nhân trong làng nghề để giữ họ ở lại với nghề. Thời gian qua, việc vinh danh, phong tặng các nghệ nhân làng nghề chưa xứng đáng với những đóng góp của họ.
TS Tôn Gia Hóa Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Làng nghề có vai trò rất lớn trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn hiện nay. Do đó, phát triển làng nghề bền vững là hướng đi quan trọng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ, bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững không chỉ đơn giản là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá mà cốt lõi là phải làm cho sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Muốn làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất trong làng nghề để tạo thành sức mạnh thống nhất. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ làng nghề xây dựng các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch và mở lớp đào tạo nghề cho lớp trẻ.
Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn về đầu ra,  ông Mai Văn Hưởng, Chủ tịch Hội Thêu ren Hà Nội cho rằng, thời gian tới, các huyện cần xây dựng chính sách nhằm thu hút những họa sĩ, nhà thiết kế, nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề tham gia mở các lớp đào tạo nghề thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các thiết kế phải đảm bảo yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc.
Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội nhấn mạnh, xuất phát từ yêu cầu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô, các huyện cần có định hướng phát triển làng nghề và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Để thực hiện tốt việc này cần sự đồng thuận, nỗ lực của cán bộ, hội viên nông dân, tích cực tham gia phát triển làng nghề theo hướng hàng hóa, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
 
 
Thiên Tú
http://ktdt.com.vn