Phát triển mạnh các sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh

(Chinhphu.vn) - Nghiên cứu nhân rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh để nhiều người dân được tiếp cận với sản phẩm nâng cao sức khỏe, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quý chứ không hiếm như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thăm phòng nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: VGP/Bạch Dương
Trong chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, chiều 10/9, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh.

Trung tâm được xây dựng tại thị trấn Đắk Tô (huyện Đắk Tô), chính thức hoạt động từ tháng 9/2018, thực hiện nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực: Nhân giống, chọn tạo giống và các kỹ thuật canh tác; công nghệ thu hoạch, bảo quản và chế biến sâm và dược liệu khác; công nghệ gene, sinh học phân tử trong chọn tạo giống cây sâm; phân tích thành phần dược chất; định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu; hợp tác quốc tế, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện một số hoạt động dịch vụ như sản xuất cung cấp cây giống và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh; phân tích và kiểm nghiệm sâm và các sản phẩm từ sâm; tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nhân lực lĩnh vực liên quan.

Trung tâm hiện đã có 8 giải pháp hữu ích được công nhận sở hữu trí tuệ; 1 bộ gene lục lạp được đăng ký bảo hộ lên Ngân hàng gene NCBI; đã và đang chủ trì thực hiện 5 đề tài, trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp bộ về sâm Ngọc Linh.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị Trung tâm tiếp tục nghiên cứu nhân rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh để nhiều người dân được tiếp cận với sản phẩm nâng cao sức khỏe, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quý chứ không hiếm như hiện nay.

Bộ trưởng khẳng định, sâm Ngọc Linh có nhiều ưu điểm hơn hẳn các loại sâm khác trên thế giới. Chúng ta có cơ hội lớn cho sâm Ngọc Linh để chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ mang lại giá trị kinh tế, thương mại hoá sản phẩm, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân. Trung tâm tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để cây sâm Ngọc Linh phát triển xứng đáng là “quốc bảo” và là loại cây “quốc kế dân sinh”.

Trước đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các đề tài, dự án KHCN tiếp tục được tỉnh Kon Tum quan tâm triển khai nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất. Hoạt động sở hữu trí tuệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được triển khai thực hiện; công tác quản lý công nghệ được tăng cường; dự án hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp được triển khai tích cực. Tính riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ban hành 21 nghị quyết, quyết định, kế hoạch phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc ngành KHCN; phê duyệt 10 đề tài, dự án thực hiện trong năm 2019 và thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia…

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa cho rằng, trong phát triển KHCN, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm của nền kinh tế-xã hội thấp, tiềm lực KHCN thiếu và yếu cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc đã trở thành rào cản thúc đẩy sự phát triển năng động và hiệu quả trong hoạt động KHCN của các tổ chức, cá nhân, sự gắn kết giữa nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất và đời sống.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ với những khó khăn của địa phương; đồng thời, đề nghị Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực của tỉnh; chuyển giao ứng các sản phẩm/dịch vụ viễn thông/công nghệ thông tin trọng điểm...

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ KHCN phục vụ công tác bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, trong đó ưu tiên các loại dược liệu chủ lực của tỉnh, như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sa nhân... góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhân dân gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Bạch Dương/chinhphu.vn