Phát triển mô hình chuỗi liên kết tại Thái Bình

Sáng ngày 2/8, tại Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam đã có buổi làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về triển khai kế hoạch xây dựng HTX sản xuất gắn chuỗi giá trị tại xã Nam Cường và xã An Ninh thuộc huyện Tiền Hải, Thái Bình.

Trước đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp (HVNN) Việt Nam tổ chức 3 đoàn khảo sát đi xuống tận địa phương để xem xét quy mô, diện tích cũng như nhu cầu của người dân hai xã trên, đối với nhu cầu xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Học - Trưởng nhóm quy hoạch không gian sử dụng đất của HVNN Việt Nam, cho biết Nam Cường là xã vùng ven biển, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nuôi trồng thủy hải sản nước mặn và nước lợ.

Lợi thế nuôi trồng thủy sản

Theo số liệu thống kê năm 2017, tổng diện tích tự nhiên của xã Nam Cường là 381,76 ha, trong đó có 227,61 ha đất nông nghiệp, 152,66 ha đất phi nông nghiệp, còn lại là đất chưa sử dụng. Ngoài ra, xã còn có 106 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nước lợ là 86 ha và 20 ha nước ngọt.

Tuy nhiên, theo khảo sát, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã chưa theo kịp được xu thế phát triển KT-XH, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, chưa bám sát nhu cầu thị trường, phát triển theo hướng hàng hóa, chưa đúng theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, manh mún từ nhiều hộ với diện tích nhỏ, thiếu vốn và chưa có sự đầu tư vào kỹ thuật công nghệ, nguồn giống chủ yếu lấy từ các địa phương khác nên việc nuôi trồng thủy sản còn bấp bênh, giống không phù hợp với vùng, thiếu tính ổn định, chưa mang lại hiệu quả cao.

Tại buổi làm việc, cả Liên minh HTX Việt Nam và HVNN Việt Nam đều xác định thế mạnh của xã Nam Cường là địa phương lấn biển nên sẽ đẩy mạnh triển khai việc nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Việt Dũng - chuyên gia Thủy sản của HVNN Việt Nam, đã trình bày về quy trình, quy mô nuôi trồng thủy sản.

chu-tich-nguyen-ngoc-bao-JPG-6267-153323

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cùng Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan chủ trì buổi làm việc

Theo ông Dũng, với kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản như tôm tại các địa phương như Nam Định, Quảng Ninh, tiền đầu tư cho cơ sở vật chất một mô hình nuôi tôm thâm canh, khép kín theo hướng công nghệ cao sẽ mất khoảng 500 triệu đồng/ha.

Đổi lại, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 20 - 30 tấn/ha nếu đúng mùa và 3 - 5 tấn/ha nếu trái mùa. Như vậy, theo ông Dũng, thời gian thu hồi vốn của người dân là 3 - 4 năm.

Về đầu ra sản phẩm, ông Định Cao Khuê - Giám đốc công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cam kết sẽ bảo đảm đầu ra cho người dân.

Về mặt nông nghiệp, xã có lợi thế khi có các loại lúa đặc sản như Nếp cái hoa vàng, Tám thơm. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích cao nhất, theo các chuyên gia từ HVNN Việt Nam, xã nên chuyển sang trồng giống lúa Japonica chuyên xuất khẩu cho Nhật Bản và các nước Đông Bắc Á. Việc tiêu thụ, ông Khuê cũng cam kết thực hiện.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo về việc điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi sản xuất theo chuỗi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo vùng sản xuất lúa tập trung, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi và sản xuất giống ngao tại địa phương…

Cam kết đầu ra cho rau toàn xã

Tại xã An Ninh, báo cáo khảo sát của HVNN cho biết, xã có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi cho sản xuất rau màu, nguồn nước sạch và dồi dào, đất cát thuận lợi cho việc làm đất, tiêu úng, hạn chế các bệnh hại trong đất, phù hợp cho sản xuất nông sản an toàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là những khó khăn như nông dân chưa tiếp cận được các chủng loại giống đa dạng, ít sự lựa chọn giống tốt để sản xuất; chủ yếu trồng trọt, chăm sóc theo kinh nghiệm, chưa áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất; trồng trọt sản xuất theo hộ nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, thu nhập của người dân không cao.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp như: Địa phương cần hỗ trợ về cơ chế chính sách, hỗ trợ sản xuất như cho thuê đất để sản xuất, vốn, kỹ thuật mới, giống mới; quy hoạch diện tích đồng ruộng; tăng cường dự tính, dự báo về rau màu; đưa những loại rau màu có tính kinh tế cao vào canh tác; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...

Ông Định Cao Khuê cho biết công ty Đồng Giao xác định xã An Ninh là nơi có tiềm năng lớn để trồng rau, nhất là ra chân vịt (rau cải bóp). Ông Khuê cam kết nếu người dân ở đây trồng loại rau này, công ty Đồng Giao sẽ bao mua toàn bộ sản phẩm đầu ra cho người dân.

Không những thế, nếu người dân tham gia vào chuỗi liên kết này, công ty Đồng Giao sẽ cung cấp giống, vật tư thiết bị và đặc biệt là đầu tư cho người dân về thuốc bảo vệ thực vật.

Được biết, một chu kỳ trồng rau sẽ kéo dài trong khoảng 45 ngày, mỗi năm có thể trồng khoảng 7,8 vụ và doanh thu ước tính sẽ khoảng 1 tỷ/ha/năm.

Ngoài ra, các chuyên gia của HVNN còn đề xuất trồng xen kẽ các loại hoa màu khác như măng tây, dưa lưới, dưa da xanh… những nông sản phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, đề nghị việc phối hợp do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì làm đầu mối, cùng với HVNN Việt Nam, doanh nghiệp thực hiện xây dựng chuỗi giá trị.

Trong đó, HVNN Việt Nam giúp về phần giống, kỹ thuật, quy trình, công nghệ. Doanh nghiệp giúp quá trình sản xuất, dịch vụ vật tư đầu vào, hợp đồng, kỹ thuật giám sát chuyển giao công nghệ cho người dân.

Về phía Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh/thành phố sẽ tư vấn, hỗ trợ, tổ chức HTX, đào tạo, giới thiệu sản phẩm, chuyển giao công nghệ…

Hồng Nhung/http://www.thoibaokinhdoanh.vn